10 điểm khác biệt giữa ông chủ và lãnh đạo
Trong môi trường làm việc cạnh tranh ngày càng gắt gao hiện nay, khoảng cách giữa “lãnh đạo” và “chủ” dần tăng lên và ngày càng rõ rệt. Một nhà lãnh đạo có thể là chủ, nhưng không phải cứ làm chủ thì sẽ trở thành lãnh đạo được.
Chỉ nhìn về mặt ngữ nghĩa, bạn có nhận thấy từ “ông chủ” nghe tiêu cực hơn hẳn “nhà lãnh đạo” không? Phần lớn nhân viên đều muốn làm việc với một người lãnh đạo thân thiện và biết lắng nghe hơn làm việc với một người chủ bảo thủ và chỉ ra lệnh.
Trở thành một nhà lãnh đạo đòi hỏi rất nhiều trách nhiệm với vị trí của mình so với trở thành chủ, tỷ như nếu bạn làm chủ thì bạn không cần phải gây ấn tượng với cấp trên chẳng hạn. Hơn nữa, trong khi ông chủ chỉ cần quan tâm đến kết quả, hay chính là lợi nhuận, thì một người lãnh đạo còn có thêm trách nhiệm với quy trình tạo ra kết quả cuối cùng đó.
Dưới đây là 10 yếu tố chính tách biệt nhà lãnh đạo và người làm chủ. Cùng kiểm tra xem bạn đang trở thành nhà lãnh đạo hay một ông chủ nhé!
1. Chủ luôn biết hết. Nhà lãnh đạo luôn tiếp thu cái chưa biết.
Làm chủ là luôn cho rằng mình là người biết rõ nhất và biết nhiều nhất, không ai được quyền nghi ngờ khả năng hay quyết định mà ông chủ đưa ra. Còn như tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy từng nói: “Lãnh đạo và học tập là không thể tách rời!”, một nhà lãnh đạo sẽ luôn tiếp thu cái mới và lắng nghe để nhìn nhận vấn đề dưới càng nhiều góc độ khác nhau càng tốt. Một người luôn sẵn sàng tiếp thu và học hỏi tất nhiên tạo nhiều thiện cảm hơn một người luôn cho rằng không có gì mình không biết, đúng không bạn?
2. Chủ phát biểu nhiều hơn nghe. Nhà lãnh đạo nghe nhiều hơn phát biểu.
Bằng cách dành thời gian lắng nghe các thành viên trong nhóm, những nhà lãnh đạo tài ba có thể thấu hiểu được những mong muốn và nhu cầu của nhân viên, từ đó, nắm được khả năng đáp ứng và phân phối công việc cùng nhân sự sao cho đạt hiệu quả tối đa.
Nếu bạn chỉ muốn cấp dưới làm theo yêu cầu và cách thức của mình còn ý kiến của cấp dưới không quan trọng với bạn thì bạn đang làm chủ chứ không phải đang lãnh đạo đâu! Những ý tưởng của nhân viên luôn được người lãnh đạo trân trọng và cân nhắc như ý tưởng của chính bản thân mình, trong khi một ông chủ luôn xem nhẹ ý kiến của nhân viên.
3. Chủ chỉ trả lời. Nhà lãnh đạo tìm giải pháp.
Khi nhân viên gặp phải vấn đề khó giải quyết hoặc rắc rối không thể tự quyết định, một ông chủ sẽ đáp lại bằng cách giao công việc nhân viên đó hoàn thành. Còn một nhà lãnh đạo sẽ làm gì? Nhà lãnh đạo sẽ chỉ dẫn nhân viên hướng gỡ rối, thậm chí cùng nhân viên giải quyết vấn đề sao cho thiết thực, hiệu quả nhất.
4. Chủ luôn chỉ trích. Nhà lãnh đạo luôn khuyến khích.
Đưa ra nhận xét mang tính xây dựng là việc không thể thiếu để nâng cao hiệu quả công việc cũng như hỗ trợ nhân viên cải thiện khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu việc nhận xét này trở thành liên lục chỉ trích sai lầm hay thậm chí xoáy sâu vào đó mà tổn thương người khác thì không chỉ không hỗ trợ được cấp dưới mà còn khiến tập thể mất đoàn kết. Chỉ cần vài câu nói và thái độ khuyến khích sửa sai và mong chờ cải thiện, nhân viên sẽ như được tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm dốc sức cho tập thể. Đây chính là lãnh đạo!
5. Chủ sẽ luôn săm soi nhược điểm. Nhà lãnh đạo sẽ phát hiện tài năng.
Dù chúng ta phần lớn đều biết được đâu là điểm thiếu sót của bản thân, nhưng chúng ta vẫn cần được nhắc nhở và chỉ điểm nhằm cải thiện khi cần thiết. Như đã viết ở trên, luôn phải nghe những sai lầm của mình có thể khiến một người tự cảm thấy vô dụng, tự ti và nghi ngờ khả năng của bản thân. Đây là một lý do khiến hình tượng “ông chủ” luôn xấu xí hơn nhà lãnh đạo trong mắt hân viên.
Bằng cách nhìn ra và công nhận điểm mạnh của nhân viên, một nhà lãnh đạo sẽ giúp nhân viên của mình tin tưởng cũng như cho nhân viên biết cách để học đóng góp cho tập thể nhiều nhất và tốt nhất.
6. Chủ ra lệnh. Nhà lãnh đạo hướng dẫn.
Phía sau mỗi đội bóng đá thành công là một nhà cầm quân lão luyện. Vì sao lại nói như vậy?Huấn luyện viên chính là người hỗ trợ hướng dẫn cầu thủ, đồng thời đưa ra chiến lược cho cả đội. Nhưng tất nhiên, khi đối mặt với đối thủ, vẫn là phải dựa vào khả năng của từng cầu thủ trong đội bóng để thực thi và điều chỉnh chiến lược mà huấn luyện viên đã đưa ra. Dù vậy, một kế hoạch và mục tiêu khả thi là không thể thiếu. Nhà lãnh đạo chính là như “huấn luyện viên” của cấp dưới vậy!
“Bạn phải làm điều này”, “Tôi cần điều kia phải xong trong tuần” hay những câu tương tự từ ông chủ bắt buộc nhân viên phải thực hiện không được thắc mắc hay ý kiến. Một khi không hoàn thành hoặc có sai sót, ông chủ sẽ mắng cả nhóm! Nhà lãnh đạo thì khác. Ra lệnh không giúp ích gì cho khả năng giải quyết vấn đề của nhân viên cũng như hiệu quả cuối cùng của công việc. Lãnh đạo chính là cho cả tập thể chắc chắn rằng họ có thời gian và khả năng hoàn thành công việc. Để làm được điều này, nhà lãnh đạo cần dò hỏi ý kiến của nhân viên, ví dụ như hỏi nhân viên “Bạn nghĩ sao?”, “Bạn có thể xong trong tuần này được không?” và cùng nhân viên tìm ra cách sắp xếp cho cả nhóm.
7. Chủ chăm chăm bảo vệ cái tôi. Nhà lãnh đạo nhìn nhận thiếu sót.
Một cấp trên cần phải kiên cường và quyết tâm đến mức nào mới có thể chấp nhận mình còn thiếu sót và lắng nghe phê bình? Đặc biệt, khi giữ vị trí quản lý càng cao cấp, chúng ta lại muốn bảo vệ cái tôi của mình hơn. Do đó, điều tách biệt một ông chủ với một nhà lãnh đạo thành công chính biết nhìn nhận khi mình có sai sót và cho phép bản thân bị đánh giá chứ không phải khăng khăng bảo thủ và không quan tâm tới ai khác.
8. Chủ luôn tập trung vào bản thân. Ưu tiên của nhà lãnh đạo là tập thể.
Ưu tiên hàng đầu của một nhà lãnh đạo là chắc chắn rằng các thành viên cùng chia sẻ một mục tiêu chung với cấp trên chứ không phải mơ hồ đưa ra chỉ tiêu và yêu cầu đạt được. Tồi tệ hơn, chỉ tiêu có thể thay đổi tùy theo tâm trạng của ông chủ! Điều này sẽ khiến cấp dưới bối rối, khiến họ tốn thời gian xác định đâu là chiến lược và ưu tiên cho công việc. Thay vì đòi hỏi công việc phải xong xuôi với bất cứ giá nào như một ông chủ nêu trên, một nhà lãnh đạo sẽ đề ra những nhiệm vụ và kết quả cần đạt rõ ràng nhằm giúp cả nhóm nắm được vấn đề và có đóng góp phù hợp.
9. Chủ sẽ đổ lỗi. Nhà lãnh đạo sẽ nhận trách nhiệm về mình.
Không ai muốn làm việc với một người luôn đùn đẩy trách nhiệm khi có rắc rối xuất hiện. “Viện cớ” và “đỗ lổi” không bao giờ xuất hiện trong từ điển của một nhà lãnh đạo thành công cả. Lãnh đạo chính là chia sẻ công việc và sẵn sàng nhận trách nhiệm cho sai sót cấp dưới gây ra khi có vấn đề trong quy trình hoặc mục tiêu không đạt được như mong đợi.
10. Chủ quan tâm kết quả. Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng làm việc.
Cuối cùng và cũng là yếu tố cốt lõi phân biệt việc lãnh đạo với làm chủ chính là khả năng truyền cảm hứng. Lãnh đạo không phải là thể hiện quyền lực và đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối một cách gượng ép. Đó là tư tưởng của một ông chủ. Thay vào đó, những nhà lãnh đạo tài ba truyền cảm hứng cho người khác.
Truyền cảm hứng ở đây không chỉ là động viên và khích lệ nhân viên làm việc tốt hơn mà còn là thách thức giới hạn của họ bằng cách hòa vào tập thể, nhận ra tài năng cũng như khuyết điểm của nhân viên và cùng đưa ra mục tiêu để nhân viên đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vì tập thể. Truyền cảm hứng chính là khả năng chỉ có nhà lãnh đạo mới có. Bạn có phải là một nhà lãnh đạo không?