Bí quyết phỏng vấn mùa Covid-19: Liên lạc với nhà tuyển dụng sau phỏng vấn thể hiện kĩ năng xuất sắc cuả người tìm việc
Nếu bạn nghĩ rằng sau khi hoàn thành buổi phỏng vấn, việc còn lại chỉ là chờ đợi kết quả thì bạn đã nhầm rồi. Cách bạn liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn không chỉ giúp bạn rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả, mà còn có thể là tuyệt chiêu giúp bạn bứt phá trước những ứng viên khác nữa đấy!
Quá trình căng thẳng nhất trong công cuộc tìm việc không phải là cuộc phỏng vấn, mà chính là khoảng thời gian chờ đợi kết quả. Việc phải chờ đợi vài ngày cho đến vài tuần, thậm chí là vài tháng cho vị trí bạn mong ước là một điều hết sức bình thường.
Thật không may, nhiều người không bao giờ nhận được hồi âm nào từ nhà tuyển dụng, kể cả khi họ không nhận được lời mời công việc. Lý do là bởi các nhà tuyển dụng có thể phỏng vấn hàng trăm hồ sơ, và họ không thể dành thời gian để trả lời hết tất cả những hồ sơ bị từ chối.
Tuy nhiên, điều này không chỉ khiến ứng viên tốn thời gian chờ đợi, mà còn gây ra tâm lý thất vọng, hoang mang vì không nhận được lời giải thích rõ ràng. Làm thế nào để giữ liên lạc với nhà tuyển dụng một cách khéo léo mà không tỏ ra thúc giục? Sau đây là bí quyết giữ liên lạc với người phỏng vấn, vừa giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp, vừa giúp bạn tránh lãng phí thời gian đợi chờ.
Trong vòng 24 giờ sau buổi phỏng vấn: Hãy gửi lời cảm ơn!
Sau khi hoàn thành buổi phỏng vấn, động thái khôn ngoan nhất mà một ứng viên tinh tế nên làm là gửi lời cảm ơn đến những người đã dành thời gian tham gia phỏng vấn mình. Trong thời đại công nghệ, bạn có thể sử dụng email để làm việc này. Một email ngắn bày tỏ thiện chí hợp tác chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng. Cố gắng gửi email này trong 24h sau khi phỏng vấn để hồ sơ của bạn không bị chìm nghỉm giữa các ứng viên khác.
Nếu bạn được phỏng vấn bởi nhiều người, hãy cố gắng gửi lời cảm ơn riêng đến từng người. Đặc biệt, hãy chú ý nhắc lại những chi tiết mà hai bên đã trao đổi trong buổi phỏng vấn để khiến nhà tuyển dụng ghi nhớ hồ sơ của bạn tốt hơn.
Sau từ 1 - 2 tuần: Gửi email nhắc nhở
Nếu nhà tuyển dụng đã lên một quy trình với thời gian thông báo kết quả cụ thể, đừng vội vàng thúc giục họ mà hãy tuân thủ lịch trình đã đề ra. Tuy nhiên, nếu các nhà tuyển dụng không có một thời gian biểu như vậy, khoảng thời gian an toàn nhất để hỏi thăm lại kết quả là khoảng 1-2 tuần sau buổi phỏng vấn.
Đối tượng mà bạn cần email lúc này cũng rất quan trọng. Người mà bạn nên liên lạc là người quản lý bộ phận tuyển dụng hoặc người phụ trách nhân sự bởi họ mới là người nắm được kết quả cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, người phỏng vấn bạn có thể là đối tượng trên, nhưng cũng có thể họ chỉ là người phụ trách đánh giá năng lực chuyên môn của bạn chứ không có khả năng can thiệp vào quyết định tuyển dụng cuối cùng. Việc tìm hiểu kĩ và liên lạc đúng đối tượng là mấu chốt giúp bạn có được câu trả lời bạn mong muốn.
Vì nhà tuyển dụng có rất nhiều hồ sơ để xem xét, hãy giữ cho thông điệp của bạn đơn giản, ngắn gọn và đúng trọng tâm. Nhắc lại vị trí công việc bạn ứng tuyển và bày tỏ sự quan tâm của bạn với công ty, đồng thời đề nghị phía nhà tuyển dụng đưa ra một mốc thời gian để đợi kết quả cuối cùng.
Một mẹo nhỏ trong quá trình liên lạc sau phỏng vấn là hãy sử dụng một phương thức cũng như địa chỉ liên lạc thống nhất. Điều này giúp nhà tuyển dụng dễ ghi nhớ cũng như nhận ra bạn khi được liên lạc lại.
Cuối cùng: hãy biết khi nào nên từ bỏ
Nếu bạn đã thực hiện cả hai điều trên nhưng vẫn không nhận được câu trả lời rõ ràng, điều này có nghĩa là: bạn đã không được chọn, hoặc nhà tuyển dụng vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.
Vậy bạn nên làm gì trong trường hợp này? Sau khoảng 1 - 2 tuần tiếp theo, nếu phía nhà tuyển dụng vẫn im lặng, bạn hoàn toàn có thể liên lạc lại lần cuối để xác nhận.
Trong trường hợp bạn không được chọn, đừng vội buồn bã. Nếu đó là một công việc bạn rất khao khát, hãy tận dụng cơ hội này để đặt nền móng cho tương lai. Bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng về lý do hồ sơ của bạn chưa đạt yêu cầu và đề nghị họ đưa ra gợi ý giúp bạn cải thiện hồ sơ trong tương lai. Việc thể hiện sự cầu tiến không chỉ giúp bạn nỗ lực hơn để cải thiện mình, mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhà tuyển dụng, mở ra những cơ hội hợp tác sau này.
Nguồn: Minh Hiền
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: |