Giảm stress bằng cách nghỉ việc, có hiệu quả?
Căng thẳng trong công việc khiến chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi, muốn dừng lại tất cả để tìm một môi trường làm việc phù hợp hơn, bớt căng thẳng hơn. Nhưng liệu cách giảm stress bằng cách nghỉ việc, liệu có hiệu quả? Hãy cùng TalentBold tìm lời giải đáp qua bài phân tích dưới đây.
I. Nguyên nhân gây ra căng thẳng nơi công sở
Sự cạnh tranh trong nền kinh tế khiến mỗi doanh nghiệp luôn phải nỗ lực giảm chi phí để có thể cạnh tranh về giá thành với các doanh nghiệp cùng ngành. Có như vậy họ mới ký kết nhiều hợp đồng, duy trì việc làm cho nhân sự toàn doanh nghệp.
Muốn giảm chi phí, ngoài việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu thì việc tối đa năng lực làm việc của nhân viên cũng được áp dụng triệt để. Và kết quả là lượng công việc mà mỗi nhân sự phải đảm nhận tăng lên về số lượng, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, số giờ làm việc kéo dài hơn, căng thẳng mệt mỏi xuất hiện nhiều hơn.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thành tích, ganh đua khen thưởng ít nhiều tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các đồng nghiệp, yếu tố này cũng rất dễ nảy sinh stress do mối quan hệ nơi công sở.
II. Giảm stress bằng cách từ bỏ công việc có phải là giải pháp tốt
Quá mệt mỏi, căng thẳng với công việc khiến nhân viên cảm thấy không thể gắn bó lâu dài, từ đó dẫn đến quyết định xin nghỉ việc. Nhưng liệu đây có phải là cách giảm stress hiệu quả nhất cho bạn không?
Theo kinh nghiệm tư vấn nhân sự nhiều năm, TalentBold thiết nghĩ bạn nên trả lời những câu hỏi sau trước khi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc
1. Công ty có quan tâm đến sự quá tải của bạn không ?
Một thực tế là người quản lý trực tiếp hoặc quản lý cao nhất của doanh nghiệp luôn phải giải quyết rất nhiều công việc mỗi ngày nhưng không hẳn họ không quan tâm đến môi trường làm việc của nhân viên.
Vấn đề ở đây là bạn cần cho họ biết khối lượng công việc của bạn quá nhiều hoặc đòi hỏi chất lượng công việc từ những khách hàng mà bạn phụ trách quá cao, thậm chí đòi hỏi vô lý khiến bạn bị stress công việc.
Hãy xem sự phản hồi từ phía quản lý liệu có mang lại sự cải thiện gì cho tình trạng stress của bạn hay không. Nếu không thỏa đáng, bạn nộp đơn vẫn chưa muộn.
2. Cách thức quản lý công việc của bạn đã thật sự phù hợp?
Một trong những nguyên nhân khiến bạn mất nhiều thời gian hoàn thành công việc chính là cách quản lý, sắp xếp chưa thật sự hiệu quả.
Nếu bạn nhận thấy xuất hiện những tình trạng này:
- Sáng vào không biết mình nên bắt đầu việc nào trước
- Email đổ về một loạt, không kịp xem và sàng lọc trong khoảng 1 tiếng đầu ngày làm việc
- Khó tìm thấy hồ sơ, dữ liệu thông tin nhanh và ngay tức thời.
- rong ngày, bạn luôn bị hối thúc vì những công việc gấp thì chưa hoàn thành, việc chưa gấp thì lại làm trước…
thì bạn nên dành thời gian cuối tuần, tự nhìn nhận những điểm cần khắc phục trong cách quản lý công việc của mình. Biết đâu sau khi thay đổi, stress công việc sẽ không còn gây áp lực cho bạn nữa.
3. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong phòng ban tốt không?
Nếu tốt thì đó là một ưu điểm mà bạn nên cân nhắc để tiếp tục công việc.
Nếu không tốt hãy khách quan đánh giá bản thân, rồi mới đánh giá những đồng nghiệp khác.
Thật sự, mỗi người mỗi tính cách, vì vậy, chúng ta chắc chắn không thể thân thiết với tất cả mọi người, chỉ cần giữ được sự ôn hòa, hợp tác tốt trong công việc đã là tốt lắm rồi. Nhưng nếu xuất hiện những xung đột, tị nạnh, ganh ghét nhau thì thật sự là điều không tốt.
Bạn có thể xin chuyển sang một bộ phận khác trong cùng doanh nghiệp trước khi quyết định nên nghỉ việc hay không.
4. Điều kiện tìm công việc mới của bạn có thuận lợi không ?
Tuổi tác, kinh nghiệm, nhu cầu nghề nghiệp trong ngành … luôn là những yếu tố cần xem xét đầu tiên, đặc biệt khi chuyên môn của bạn thuộc dạng đặc thù chuyên biệt, không phổ biến tại tất cả các doanh nghiệp.
Rất nhiều người vì quá mệt mỏi, căng thẳng mà quyết định nghỉ việc trước khi tìm được công việc mới. Kết quả là họ phải làm thất nghiệp một khoảng thời gian, có khi buộc phải chấp nhận một công việc áp lực tương tự hoặc hơn cả công ty cũ để đảm bảo thu nhập hằng tháng.
5. Bạn đã tìm thấy cơ hội ở nơi mới chưa?
Tiếp nối câu hỏi trên, ở đây, TalentBold nhận thấy, nếu bạn đã có ý định nghỉ việc vì bất cứ nguyên nhân stress công việc nào tại nơi cũ thì bạn nên có sẵn một sự chấp thuận tuyển dụng ở doanh nghiệp mới – nơi mà bạn biết chắc hoặc tin tưởng rằng những vấn đề stress trước đây sẽ không lặp lại nữa.
Thị trường lao động hiện nay cạnh tranh khá lớn, không chỉ doanh nghiệp khó giành được ứng viên giỏi cho mình, mà ngay cả ứng viên cũng rất khó tìm thấy doanh nghiệp tốt như mong muốn.
Vì vậy, khi những hy vọng cải thiện tình trạng stress công việc để có thể tiếp tục tại nơi làm việc cũ không được đáp ứng, bạn nên nộp đơn phỏng vấn và có được kết quả tuyển dụng trước khi thông báo chính thức về quyết định nghỉ việc của bạn.
Với một công việc đã gắn bó, nhân viên vừa quen việc, vừa quen môi trường làm việc, lại có thâm niên cống hiến nên thuận lợi cho việc tăng lương và đề bạt. Vì vậy trước khi áp dụng cách giảm stress bằng cách nghỉ việc, bạn nên phản ánh tình trạng của mình với quản lý, vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp giữ lại nhân viên giỏi nghiệp vụ, vừa cho mình một sự ổn định trong công việc, vì suy cho cùng thay đổi môi trường làm việc liên tục cũng không thật sự là giải pháp tốt mà mọi người nên hướng đến.
Nguồn ảnh: internet
Hình ảnh: mang tính chất minh họa