Khám phá về công việc của một Giám đốc Marketing - Chief Marketing Officer
Ngày nay, hoạt động marketing đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều rất chú trọng đầu tư cho marketing nhằm đưa doanh nghiệp tiến xa hơn nữa cũng như khẳng định được tên tuổi trên thị trường.
Để có những chiến lược marketing đúng đắn và cách thức thực hiện chiến lược bài bản ngay từ đầu, doanh nghiệp cần có một Giám đốc marketing giỏi. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, Giám đốc marketing điều hành và dẫn dắt bộ phận marketing từng bước hoàn thành các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Giám đốc marketing là gì?
Giám đốc marketing - Chief Marketing Officer (CMO), là một trong những vị trí điều hành cấp cao của doanh nghiệp. Họ chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động marketing của doanh nghiệp. Hiện nay, vai trò của Giám đốc marketing được đánh giá rất cao trong sự phát triển của doanh nghiệp do những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0.
Trong bối cảnh thời đại với nhiều biến động và sự suy giảm mạnh mẽ niềm tin của người tiêu dùng thì vai trò của Giám đốc marketing lại càng thêm quan trọng. Trong kỷ nguyên công nghệ số, một doanh nghiệp muốn thành công cần phải định hình lại cách thức tư duy và chiến lược marketing. Lúc này, Giám đốc marketing là người đại diện cho tiếng nói của khách hàng và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng của công ty.
Giám đốc marketing thường làm những việc gì?
1. Tham mưu, tư vấn cho Ban giám đốc
Trách nhiệm của Giám đốc marketing là tham mưu, tư vấn cho Ban giám đốc về hoạt động truyền thông, xây dựng bộ nhận diện và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra các kế hoạch, chiến lược hoạt động và nhân sự. Sau khi được Ban giám đốc phê duyệt, Giám đốc marketing sẽ tiến hành triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Định kỳ cần lập báo cáo về tình hình thực hiện các công việc do mình quản lý cho Ban giám đốc.
Ngoài ra, Giám đốc marketing còn là người tính toán và đưa ra đề xuất ngân sách cho hoạt động marketing. Họ cũng có trách nhiệm quản lý ngân sách theo đúng quy định và kế hoạch đã đặt ra.
2. Điều hành việc thực hiện các hoạt động marketing của công ty
Giám đốc marketing sẽ lập kế hoạch với các giải pháp cụ thể và tiến hành các hoạt động marketing của công ty theo đúng kế hoạch đã vạch ra. Điều hành việc thực hiện các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường và hành vi người tiêu dùng. Qua đó có cơ sở thiết lập các công cụ đo lường hiệu quả cho hoạt động tiếp thị.
Là một Giám đốc marketing, bạn cần nhanh chóng nắm bắt các xu hướng marketing mới nhất. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đi xa hơn và chiếm được ưu thế cạnh tranh. Thực tế cho thấy, tại một thời điểm có hàng trăm xu hướng kinh doanh cùng xuất hiện. Vai trò của CMO là xem xét và tìm ra xu hướng phù hợp và hiệu quả với công ty. Lựa chọn đúng xu hướng sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường và có thêm khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, tuổi thọ của các xu hướng có thể rất ngắn. Vì vậy bạn cần liên tục cập nhật các xu hướng marketing để có biện pháp thay thế khi cần.
Giám đốc marketing cần xây dựng một cách chi tiết và rõ ràng cách đánh giá hiệu quả hoạt động marketing của công ty. Việc này cần được tiến hành trước khi bắt đầu các chiến dịch marketing. Đánh giá hiệu quả hoạt động marketing chính là cách doanh nghiệp đo lường các mục tiêu marketing bằng các chỉ số cụ thể như: tăng trưởng doanh thu, lợi tức đầu tư, lợi nhuận tương ứng với chi phí quảng cáo…
3. Phối hợp với các bộ phận khác trong công ty
Phát huy văn hóa hợp tác giữa các bộ phận trong công ty luôn là điều được các công ty khuyến khích. Trong vai trò của người lãnh đạo, Giám đốc marketing cần phối hợp với bộ phận kinh doanh, bộ phận sản xuất … để xây dựng các chính sách ưu đãi hợp lý cho khách hàng và đối tác. Các chính sách này cần đảm bảo lợi ích tối đa cho công ty trong khi vẫn đảm bảo việc chăm sóc khách hàng tốt nhất.
4. Tiến hành xây dựng và thực hiện hoạt động chăm sóc khách hàng
Một CMO giỏi cần biết cách đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu. Họ cũng phải duy trì mối quan hệ thân thiết với cả khách hàng cũ và khách hàng mới của công ty.
Thu thập và tổng hợp những phản hồi, ý kiến của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ của công ty. Sau đó chuyển những thông tin này cho các bộ phận liên quan để có phương án xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Công việc của Giám đốc marketing không phải là bán sản phẩm hay dịch vụ. Thay vào đó, công việc của họ là chăm sóc thật tốt khách hàng của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi Giám đốc marketing cần có tầm nhìn xa, sự hiểu biết và sẵn sàng là một người đại diện chính trực của khách hàng trong vị trí một nhà lãnh đạo của công ty.
5. Điều hành hoạt động của bộ phận marketing
Là người đứng đầu bộ phận marketing, CMO cần có khả năng lãnh đạo và điều hành công việc của bộ phận một cách hiệu quả. CMO cần tìm kiếm những nhân sự tài năng và tăng cường phát triển, đào tạo những người có tài để họ phát huy tối đa tiềm năng của mình. Giám đốc marketing cần xem việc huấn luyện và đào tạo nhân viên bộ phận marketing là ưu tiên hàng đầu. Vì sở hữu nguồn nhân lực mạnh đồng nghĩa với việc khả năng thành công của các chiến lược marketing cũng cao hơn.
Đẩy mạnh việc xây dựng một môi trường làm việc coi trọng văn hóa hợp tác, nơi mà mọi người được lắng nghe, được phát biểu ý kiến. Điều này sẽ giúp khơi nguồn những ý tưởng sáng tạo mới cho hoạt động marketing.
Thúc đẩy các hoạt động nội bộ để các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Đồng thời sẽ có thêm nhiều giải pháp nhằm kích thích các ý tưởng và xóa bỏ khoảng cách giữa mọi người trong bộ phận.
6. Xây dựng mối quan hệ mật thiết với đối tác
Giám đốc marketing cần chú ý xây dựng và duy trì mối quan hệ mật thiết với các đối tác liên quan đến hoạt động truyền thông và marketing của công ty như: báo chí, công ty tổ chức sự kiện, các đơn vị quảng cáo,…
Nguồn ảnh: internet