Những lời khuyên 'nghe hay' nhưng không nên theo
"Hãy làm những gì mà bạn thích"; "Hãy sống như ngày hôm nay là ngày cuối cuộc đời bạn"... là những lời khuyên có thể làm hỏng cuộc sống của người khác.
"Hãy luôn luôn ủng hộ chồng, dù có chuyện gì đi nữa"
Những người có tâm lý cổ hủ thường đưa ra lời khuyên này cho những người trẻ tuổi, nhưng không hề nghĩ đến hậu quả của nó. Khi một gia đình có một người làm việc chăm chỉ, kiếm từng xu, từng hào, trong khi người kia đổ tất cả tiền của vào những công việc kinh doanh không chắc chắn, thật khó để gọi đó là một đôi hạnh phúc.
Tự quyết định mọi thứ mà không nghe ai, đổ lỗi cho đối phương về mọi rắc rối của mình và phớt lờ ý kiến của người kia là những dấu hiệu thực sự của một mối quan hệ độc hại.
"Đừng đi ngủ khi còn đang tức giận với người bạn yêu"
Điều gì sẽ xảy ra nếu cả hai tiếp tục cuộc cãi vã, chỉ để tìm ra ai đúng ai sai? Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, tức giận hơn và suy nghĩ rối ren hơn. Bạn thậm chí có thể muốn "châm chích" đối tác của mình nhiều hơn. Cuối cùng, những cảm xúc tiêu cực kết hợp với việc mất ngủ sẽ có thể đem lại rắc rối nhiều hơn cho bạn. Tốt nhất là đi ngủ để "hạ nhiệt".
"Hãy làm những gì mà bạn thích"
Các chuyên gia xã hội học không đồng ý với lời khuyên này. Làm việc không phải là một cách để giải trí mà ngược lại, nó là cách để kiếm tiền. Hơn nữa, có một sự khác biệt lớn giữa việc làm những gì bạn yêu thích cho riêng mình và làm việc cho ai đó để được trả tiền.
"Hãy lắng nghe trái tim và theo đuổi ước mơ của bạn"
Đây là một lời khuyên rất có hại. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng nhiều người không thể đánh giá một cách khách quan những kinh nghiệm của họ. Vì vậy, trong một số trường hợp, tốt hơn hết bạn nên giảm bớt cảm xúc và chuyển sang suy nghĩ lý trí.
"Đừng nghĩ đến những điều tồi tệ"
"Bình tĩnh" hoặc "Bạn không có lý do gì để phải buồn" là những lời khuyên dạy bạn kìm nén cảm xúc của mình. Những người như vậy coi sợ hãi, thất vọng và buồn bã là những "cảm xúc xấu" và cố gắng loại bỏ chúng.
Khi bạn cảm thấy buồn, khóc có thể là một lựa chọn tốt. Nước mắt làm giảm căng thẳng, giảm đau và giúp bạn bình tĩnh hơn. Trong một số tình huống, cố suy nghĩ tích cực chỉ là nỗ lực trốn tránh thực tế cũng như tự dối mình.
"Đừng để điều đó ảnh hưởng đến bạn"
Lời khuyên rằng nên giữ im lặng và không nên phản ứng sẽ làm hình thành thái độ khoan dung trước các hành vi xấu. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến sự bất lực. Đặc biệt với trẻ em, sau tất cả những tình huống căng thẳng mà một đứa trẻ đã trải qua, chúng sẽ bắt đầu tin rằng chúng không thể kiểm soát bất cứ điều gì và thậm chí sẽ không cố gắng thay đổi mọi tình huống.
"Không có gì quan trọng hơn gia đình"
Đừng quên rằng trong gia đình cũng có thể có những người độc hại, ví dụ những người thân liên tục chỉ trích, phán xét và cố gắng kiểm soát bạn. Trong tình huống như vậy, việc bạn đặt gia đình lên vị trí cao nhất là không thích hợp.
"Hãy sống như ngày hôm nay là ngày cuối cuộc đời bạn"
Quy tắc này là thường thấy trong các thước phim. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, quy tắc này có thể dẫn đến thảm họa, chưa kể đến trách nhiệm đạo đức thường không song hành với lời khuyên này.
Thùy Linh (Theo Brightside)