Thích ứng với "các kiểu sếp"
Không thể phủ nhận việc xây dựng mối quan hệ tốt với ông chủ có ảnh hưởng lớn tới thành công trong sự nghiệp của bạn. Bởi một điều hiển nhiên, sếp là người sẽ trực tiếp quyết định xem ý tưởng của bạn có được thực thi hay không và đánh giá sự tiến bộ của bạn trong suốt quá trình làm việc. Nhưng không phải nhân viên nào cũng có những cái nhìn giống nhau về người sếp của mình.
Dưới đây là một số tuýp người chung về các nhà quản lí và mỗi kiểu sẽ phù hơp với từng nhân viên:
Lúc "nóng" lúc "lạnh"
Biểu hiện: Với sự lựa chọn này, bạn khó có thể tạo mối quan hệ lâu dài với sếp. Bình thường sếp có thể rất tin tưởng vào bạn nhưng một ngày nào đó, anh ta cũng có thể quay ngoắt 180 độ.
Chiến lược: Hãy bình tĩnh trước mỗi phản ứng của sếp. Khi sếp căng thẳng, hạn chế giao tiếp hoặc gửi email (nếu việc không quá gấp). Tìm những cách tốt nhất để làm giảm stress cho sếp.
Hống hách
Biểu hiện: Sếp có tính bảo thủ, hống hách, thường cộc cằn, thô lỗ với nhân viên và dễ sinh ra chán nản.
Chiến lược: Cần làm nổi bật chính mình. Thực tế, sếp sẽ sẵn sàng làm việc cùng bạn nếu bạn chứng tỏ với sếp rằng bạn có thể vượt mọi khó khăn để hoàn thành công việc.
Kỹ tính
Biểu hiện: Sếp muốn biết chi tiết từng dự án. Sếp có rất nhiều công việc nhưng không dám giao cho bạn vì không an tâm, sợ bạn làm hỏng việc.
Chiến lược: Việc sếp lo lắng bạn không làm được việc là điều dĩ nhiên. Song hãy làm tốt nhiệm vụ của mình để sếp biết rằng bạn là người có năng lực. Nhiều lần như vậy, chắc chắn sếp sẽ cảm thấy tin tưởng bạn hơn.
Làm việc qua trợ lí
Biểu hiện: Thông thường sếp để nhân viên của mình tự làm toàn bộ công việc dưới sự chỉ đạo của sếp thông qua email và một người trợ lí. Vì thế, bạn hiếm có cơ hội tiếp cận với sếp.
Chiến lược: Đừng e ngại khi đặt ra các câu hỏi cho sếp, kể cả qua email. Nếu vấn đề phức tạp, hãy cứ liên lạc với sếp, chắc chắn sếp sẽ sắp đặt một cuộc gặp riêng. Đây sẽ là cơ hội cho bạn tạo mối quan hệ thân thiện hơn với sếp.
Thân thiện
Biểu hiện: Sếp muốn các nhân viên nể trọng, nghĩ tốt về mình vì thế anh ta rất ngại đặt ra các quy định trong công việc. Sếp bao giờ cũng dàn xếp công việc ổn thoả, tạo môi trường thân thiện, hoà hợp trong công ty.
Chiến lược: Thỉnh thoảng mời sếp một bữa trưa thân mật, và ủng hộ mỗi khi sếp đưa ra ý kiến riêng của mình. Hãy tôn trọng và để sếp thấy rằng sự lãnh đạo của mình là cần thiết, khi đó sếp có thể tự tin và năng động hơn trong việc quản lí nhân viên.
Theo VTV