“Những tấm chiếu mới” cần kỹ năng gì khi đi phỏng vấn?
Ai trên đời đều phải trải qua những “lần đầu”, và chắc chắn sẽ có lần đầu phỏng vấn. “Bỏ túi” những kỹ năng sau để buổi phỏng vấn được diễn ra suôn sẻ vui vẻ nhé.
Luôn mỉm cười
Những lúc căng thẳng hãy nở một nụ cười tự tin. Tuy nhiên bạn nên nhớ mình chỉ cần cười nhẹ nhàng, cười vừa phải thì tự nhiên mọi chuyện nhẹ nhàng vui vẻ thoải mái chứ không cần phải cười nhiều mà kiểu "ố đề" nữa thì sẽ bị coi là giả trân thì kỳ lắm nha.
Quan trọng là thần thái
Thần thái không chỉ nằm ở ánh mắt, mà biểu cảm trên gương mặt và tone giọng của bạn cũng rất quan trọng. Ánh mắt và giọng là combo không chỉ mang lại khí chất chuyên nghiệp, tự tin mà bản thân mình cũng trở nên đáng tin cậy trong mắt nhà tuyển dụng.
“Tôi chưa…nhưng…” sẽ tích cực hơn “Tôi không…”
Luôn nhớ một nguyên tắc, linh hoạt thay thế từ “KHÔNG” thành từ “CHƯA”. Ví dụ như thay vì trả lời “Tôi không biết” hãy trả lời rằng “Tôi chưa biết nhiều nhưng sẽ sẵn sàng dành thời gian tìm hiểu về nó” để chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy thái độ tích cực và chủ động học hỏi của bạn.
Trung thực và chân thành
Thẳng thắn nói lên ưu điểm và thừa nhận khuyết điểm của bản thân một cách khéo léo sẽ giúp bạn thêm điểm chân thành và ấn tượng hơn so với các ứng viên khác. Nếu có thể, hãy chuẩn bị những ví dụ cụ thể để minh chứng cho ưu điểm và khuyết điểm đó của mình, đây cũng là cách giúp cho cuộc phỏng vấn trở nên gần gũi và thú vị hơn.
Chia tay rồi không nên “nói xấu” công ty và sếp cũ
Nếu không phải là NewBee, chắc chắn khi phỏng vấn bạn sẽ được hỏi “Vì sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?”. Trong trường hợp này, bạn nên ưu tiên chia sẻ nhiều hơn về những bài học có được ở công ty/sếp/đồng nghiệp cũ, thay vì cứ nói về những điều chưa làm bạn hài lòng Điều này vừa thể hiện mình là người tích cực, cũng là cách để tạo được sự đồng cảm từ Nhà Tuyển Dụng. Hãy luôn nhớ một điều, văn hóa doanh nghiệp không có lỗi, cũng chẳng phải đúng hoặc sai, chỉ là văn hóa đó có phù hợp với chính bạn hay không mà thôi. Vì thế, khi ta rời khỏi công ty vì văn hóa không phù hợp là điều hết sức bình thường.
Thể hiện kỹ năng teamwork
Hãy biết cách thể hiện mình là người biết lắng nghe, tiếp thu và có khả năng tư duy, đưa ra ý kiến riêng vì mục tiêu chung. Trong vài trường hợp, bạn hoàn toàn có thể phản biện lại với góc nhìn/đánh giá của Nhà Tuyển Dụng ở vấn đề/tình huống nào đó, nhưng luôn nhớ “tranh luận” và “tranh cãi” là hai khái niệm rất mong manh và dễ hiểu nhầm, vì thế bạn hãy ưu tiên dùng từ tích cực với tone giọng vừa phải chính là yếu tố quan trọng để thể hiện tốt kỹ năng tư duy phản biện của bản thân.
Biết đặt câu hỏi cho người tuyển dụng
Đừng chỉ ngồi im thụ động đợi được hỏi mới trả lời và thay vì chỉ hỏi những thông tin cơ bản mà bạn có thể tự tìm hiểu thì hãy đặt những câu hỏi có sự liên kết với công việc, ví dụ như “Tôi nên bổ sung thêm kỹ năng gì để có thể hoàn thành công việc tốt hơn?”. Đây cũng là cách thể hiện rằng bạn đang rất quan tâm và nghiêm túc với việc trao đổi tìm hiểu về công việc chứ không phải nhóm người “rải đơn xin việc”.
Chúc các bạn sớm tìm được bến đỗ của cuộc đời, biết người biết ta trăm trận trăm thắng!
Xem thêm: