Bàn về chuyện đặt tên cho thương hiệu
(mikekim.com)
Khi chuẩn bị bắt đầu khởi nghiệp với một ý tưởng kinh doanh, có một điều bạn cần làm trước hết là lựa chọn tên cho "đứa con" của mình. Cái tên là điều đầu tiên một người chú ý đến khi nghe giới thiệu về doanh nghiệp của bạn. Một cái tên đủ khác biệt và lý tưởng sẽ tạo cho doanh nghiệp của bạn chỗ đứng và tiếng nói to hơn trong thị trường ngày càng khốc liệt hiện nay.
Đặt tên thương hiệu – Nói dễ thì không dễ, mà nói khó cũng không khó!
"Cái tên nói lên tất cả" là câu nói không hề khoa trương. Cũng như việc tên mỗi người có ý nghĩa vô cùng lớn với vận mệnh cũng như thời vận của chúng ta, tên của thương hiệu sẽ theo công việc làm ăn của bạn vĩnh viễn! Cùng với logo và cách trình bày tạo nên bộ mặt của doanh nghiệp, tốt nhất bạn nên chọn được tên thương hiệu lột tả được cả tính độc đáo lẫn sự tự tin của bạn về sản phẩm và công ty.
Start-up vào thời đại của internet – Tên phải thân thiện với website
Trong thời đại này, nếu bạn muốn công việc kinh doanh của mình "xuôi chèo mát mái", chắc chắn bạn không thể bỏ qua internet. Vì vậy, đặt tên thương hiệu sao cho thân thiện với người dùng trên mạng nên là việc đầu tiên bạn nghĩ đến. Tên thương hiệu "thân thiện với website" trong trường hợp này là tên không gây khó chịu và nhầm lẫn cho người dùng khi truy cập hoặc dùng các công cụ tìm kiếm trên mạng để tìm hiểu về thương hiệu đó.
Nếu trong chiến lược marketing của mình, bạn muốn lợi dụng sức mạnh của internet ngay bước đầu thì trước hết, bạn cần tên miền cho website của doanh nghiệp. Website này là cổng thông tin chính thức, cung cấp tình hình kinh doanh và mọi chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp. Website này phải có tên miền liên quan chặt chẽ đến tên thương hiệu và việc kinh doanh của bạn. Vì vậy, bạn nên chọn tên thương hiệu càng dễ nhớ càng tốt.
Kế tiếp, bạn cần cân nhắc đến mạng xã hội như Facebook và Twitter, dù không dùng nhiều ban đầu nhưng chắc chắn sau này bạn sẽ cần đến chúng. Bạn phải kiểm tra trên các mạng xã hội để chắc chắn chưa có trang fan page nào có cùng tên với tên bạn sắp lấy đặt cho sản phẩm. Bước này để đảm bảo thương hiệu của bạn là duy nhất và không bị nhầm lẫn.
Điều khác bạn cần lưu tâm cho tên của thương hiệu là email doanh nghiệp (nên có tên thương hiệu trong đó) và độ khó dễ khi dùng công cụ tìm kiếm để tìm thông tin về sản phẩm của bạn, v.v...
Vấn đề gây đau đầu ở đây là, sau vô vàn sản phẩm và dịch vụ đã có mặt trên thị trường, làm sao bạn tìm được một cái tên phù hợp và đủ khác lạ cho ý tưởng của mình? Đừng nản chí mà vội vàng chọn bừa. Cũng đừng cân đo đong đếm quá mức về ý nghĩa của từng chữ trong tên. Trên thực tế, bất kỳ cái tên nào cũng tốt cả, nếu bạn "back-up" cho thương hiệu của mình bằng chiến lược marketing phù hợp và một vài "mánh khóe" đúc kết từ những thương hiệu lớn khác.
Dưới đây là những gợi ý đặt tên giúp bạn chọn được cho sản phẩm hay dịch vụ của mình một cái tên tạo nên khác biệt và thành công.
1. Đơn giản hóa
Văn hóa truyền miệng (word-of-mouth) có vai trò không hề nhỏ để start-up của bạn đi vào thị trường và được biết đến rộng rãi. Tên càng dễ phát âm thì thương hiệu được truyền miệng càng dễ dàng. Tương tự, tên thương hiệu càng ngắn gọn thì càng dễ nhớ để truyền miệng.
Không ai muốn nhớ một start-up có tên TIAA-CREF hay Wolfram|Alpha cả. Thay vào đó, mọi người đều nhớ đến những cái tên có vần điệu dễ nhớ và ý nghĩa như KPMG hay Google. Càng gắn gọn, dễ nhớ, dễ đánh vần thì người dùng càng dễ tìm hiểu về thương hiệu trên mạng internet.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là tên ngắn chưa chắc dễ nhớ hơn tên dài, chẳng hạn như BMW và Mercedes Benz. BMW dù chỉ gồm 3 chữ cái, nhưng do chữ "W" khiến cái tên khi phát âm lại khó khăn hơn Mercedes Benz. Một ví dụ khác là Pixlr.com (đọc giống với "pixeler", một ứng dụng web cho phép chỉnh sửa hình ảnh trực tuyến). Pixlr chỉ gồm 5 chữ cái, nhưng người dùng sẽ không biết phát âm như thế nào, và khi nghe người khác nói "pixeler" thì không thể nghĩ đến tên này!
2. Tách biệt hóa
Bên cạnh đơn giản và dễ phát âm, tên thương hiệu phải dễ nhớ, tạo được hứng thú với người dùng về lĩnh vực bạn kinh doanh và không dễ nhầm lẫn. Việc tên có phát âm gần giống một thương hiệu có trước rất nguy hiểm. Xerox (có nghĩa là sao chụp, đồng nghĩa với "photocopy") là cái tên không mới trong lĩnh vực in ấn kỹ thuật số. Nhưng khi vừa ra mắt thị trường, Xerox đã gặp phải vấn đề với cái tên của mình. Người dùng ban đầu lại nhầm lẫn Xerox với Zerox, khiến công ty mất lượng thị phần tiềm năng không nhỏ. Do đó, tên thương hiệu của bạn phải đảm bảo đơn giản, dễ phát âm, dễ nhớ và không dễ nhầm lẫn.
Trước khi nghĩ đến cái tên nào, bạn hãy tìm hiểu tên những đối thủ cạnh tranh và tìm ra những điểm chung từ tên của đối thủ. Sau đó, khi bạn đã có vài cái tên có thể dùng cho doanh nghiệp của mình, đến phần làm sao cho tên đó không tương tự với đối thủ cạnh tranh.
Nói cách khác, tên thương hiệu của bạn phải tách biệt khỏi số chung, bằng cách bạn nghiên cứu trước tên của đối thủ ở trên. Một khách hàng khi cân nhắc lựa chọn, chắc hẳn sẽ chọn thương hiệu vừa độc đáo nhưng cũng không đi xa khỏi lĩnh vực cung cấp thay vì một thương hiệu chung chung không mới lạ hoặc tương tự với thương hiệu đi trước.
3. Hình tượng hóa
Tên thương hiệu và biểu tượng là không thể tách rời. Nếu bạn muốn có một thương hiệu đủ mạnh và vững chắc cho start-up của mình, bạn phải suy nghĩ đến cả logo cho thương hiệu khi đặt tên. Hình ảnh giúp cho người dùng khắc sâu tên của thương hiệu hơn trong đầu, tạo cho não bộ thêm một cơ sở để lưu cái tên đó thay vì chỉ có các chữ cái và cách phát âm. Điển hình là Apple, đi kèm với một cái tên không thể đơn giản là một biểu tượng không thể trực tiếp hơn - trái táo cắn dở.
Giờ thì bạn đã biết sự kết nối chặt chẽ giữa tên và biểu tượng thương hiệu, bạn cần dành nhiều tài lực và nhân lực để thiết kế một biểu tượng cho riêng thương hiệu. Theo cá nhân người viết, một biểu tượng hình ảnh có tầm ảnh hưởng lớn hơn một biểu tượng chỉ gồm tên, cho nên nếu bạn đang "tịt" ý tưởng, hãy thử hình tượng hóa thương hiệu bằng một vật hoặc con nào đó. Jaguar Cars là một cái tên không tồi chút nào cho thương hiệu xe ô tô đến từ Anh. Còn Red Bull cũng thể hiện được tính chất "tăng lực khỏe như bò cụng" sau khi uống!
Bạn cũng có thể ngẫu hứng hơn một chút với một cái tên mang tính hình tượng, tức là không cần quá liên quan đến lĩnh vực bạn đang kinh doanh. Tất nhiên, hãng thời trang Mango không mua bán xoài và BlackBerry không kinh doanh dâu rừng!
Nếu muốn đi theo ý tưởng này, bạn cũng cần thận trọng, mặc dù tên này là những từ cụ thể, nhưng thật ra lại rất trừu tượng và dễ gây bối rối. Sự lựa chọn có phần "liều" kiểu này cũng hơi đáng lo. Nếu không may mà chọn tên sai lầm thì thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng chẳng gây được ấn tượng gì.
4. Đặc trưng hóa
Thương hiệu của bạn sẽ dễ thành công hơn khi nó đưa ra được thông điệp cũng như tính chất của sản phẩm thương hiệu, đặc biệt thích hợp khi ý tưởng của bạn là tiên phong, chưa có đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Cách để đạt được điều này là rút ngắn những đặc điểm chung của loại sản phẩm đó, ví dụ như Vinamilk, ĐẸP hay Pinterest, Soundcloud. Một cách khác là sử dụng những từ ngữ bối cảnh gợi đến loại sản phẩm, ví dụ như The Coffee Bean & Tea Leaf và Play Station.
5. Tên gây sốc
Những thứ gây sốc sẽ dễ dàng được mọi người chú ý đến. Tận dụng yếu tố này vào đặt tên thương hiệu có thể giúp bạn thành công đấy! Một số tên thương hiệu gây sốc và thành công có thề kể ra như: Monster, Skype, Hulu, v.v... Nếu có doanh nghiệp của bạn sở hữu cái tên như vậy và gây dựng được chút tiếng tăm, cái tên sẽ trở thành một thương hiệu không thể lẫn đi đâu được.
Tuy nhiên, cần phải thật cẩn thận vì đây là con dao hai lưỡi. Ví dụ như trường hợp của Công ty French Connection United Kingdom, tên thương hiệu của họ được viết tắt thành FCUK, gần giống với một từ nói tục trong tiếng Anh. Thật xui xẻo! Cái tên này sẽ dễ làm khách hàng liên tưởng và khó chịu.
6. Tư nhân hóa
Nếu không thể nào nghĩ ra được một cái tên hay ho thì bạn có thể trở về với phương pháp cổ điển - dùng tên những nhà sáng lập. Khi đó, tên của nhà sáng lập sẽ trở thành một hình thức PR cho thương hiệu nên việc PR thương hiệu cá nhân và thương hiệu của công ty sẽ luôn đi đôi với nhau mãi cho đến khi doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động kinh doanh thì thôi.
Không biết bạn đã chọn được tên cho start-up của mình chưa?
Nguồn tham khảo:
http://www.hongkiat.com/blog/better-brand-name-tips/
http://grasshopper.com/blog/playin-the-name-game-9-savvy-tips-for-naming-your-business/