LƯƠNG THƯỞNG quan trọng nhưng chưa đủ để giữ chân nhân viên
Những năm gần đây, stress không chỉ còn là một vấn đề nổi cộm mà còn là thực trạng đáng báo động về sức khỏe tinh thần của người đi làm. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, lương thưởng được ưu tiên hàng đầu thì 10 năm sau, người đi làm cần được quan tâm và đáp ứng nhiều nhu cầu hơn để có thêm động lực làm việc và cống hiến cho tổ chức. Vậy, ngoài lương thưởng, những yếu tố nào được người đi làm chú trọng trước khi đưa ra quyết định gắn bó lâu dài với 1 doanh nghiệp?
Theo khảo sát do Anphabe thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, cứ 3 người đi làm thì có 1 người “thường xuyên” cảm thấy stress. Trong một khảo sát khác chỉ ra 62% nhân viên tại Việt Nam cho biết họ gặp phải áp lực công việc quá mức, trong đó 47% cảm thấy kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất. Chưa dừng lại ở mức độ này, stress đã chuyển sang một trạng thái nghiêm trọng hơn là Burn-out.
Theo Báo cáo Xu hướng nhân tài - 10 năm nhìn lại của Anphabe
"An sinh toàn diện” là trọng trách của doanh nghiệp
Thị trường liên tục thay đổi và dịch chuyển, chất lượng cuộc sống của người đi làm cũng dần được cải thiện và có nhiều sự đòi hỏi hơn trước. Vì thế khái niệm “hạnh phúc” của họ từ đó cũng mang tính toàn diện hơn, bên cạnh ưu tiên hàng đầu vẫn là thu nhập, thì họ quan tâm hơn các yếu tố khác như sự cân bằng giữa công việc cuộc sống, môi trường làm việc tích cực gắn kết, được ghi nhận và phát triển,...
Cuộc chiến thu hút và giữ chân nhân tài của doanh nghiệp ngày nay không đơn giản chỉ là cuộc đua cạnh tranh lương thưởng nữa, nơi nào mang lại “hạnh phúc” cho nhân viên, nơi đó mới chính là điểm đến của nhân tài.
Và làm thế nào để xây dựng “Nơi làm việc hạnh phúc” cho nhân viên cũng là câu hỏi trăn trở của nhiều doanh nghiệp. Từ đó, khái niệm “An sinh toàn diện” giờ đây đã trở thành trách nhiệm “must-have” chứ không còn là “nice-to-have” nữa.
Nhân viên hạnh phúc - Doanh nghiệp phồn vinh
Theo kết quả khảo sát về Xu hướng người đi làm & Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam từ 2018-2023 của Anphabe, khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, họ sẽ cống hiến và làm nhiều hơn mức bình thường gấp 1,7 lần để giúp doanh nghiệp thành công; tinh thần không nản lòng trước thất bại của họ tăng 1,8 lần; mức độ thường xuyên đóng góp sáng kiến và ý tưởng của họ tăng 2,3 lần; và mức độ mong muốn chọn làm việc ở công ty hiện tại của họ gấp 2,5 lần thay vì nơi khác trả lương cao hơn.
Theo Báo cáo Xu hướng nhân tài - 10 năm nhìn lại của Anphabe
Và trong một báo cáo của Gallup về Sự gắn kết nhân viên (Employee Engagement) năm 2022 cho thấy rằng, khi người đi làm cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ có thái độ tích cực hơn, chất lượng công việc tốt hơn, từ đó mang lại giá trị thiết thực hơn cho doanh nghiệp: mức độ hài lòng của khách hàng tăng 10%, doanh thu tăng 18%, và lợi nhuận tăng 21%.
Theo nghiên cứu của Anphabe, có thể chia Phúc lợi thành 6 nhóm: Phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc, Phúc lợi gia đình, Phúc lợi xây dựng văn hóa, Phúc lợi bằng tiền, Phúc lợi bảo hiểm & sức khỏe, Phúc lợi đào tạo & Phát triển.
Theo Báo cáo Xu hướng nhân tài - 10 năm nhìn lại của Anphabe
1.Phúc lợi về thời gian & hỗ trợ làm việc:
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng chính sách làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên tự điều chỉnh giờ làm việc và địa điểm. Điều này giúp người lao động dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Một báo cáo từ Anphabe cho thấy, 68% người lao động đánh giá cao các chính sách làm việc linh hoạt, xem đây là yếu tố then chốt giúp họ duy trì năng suất làm việc.
2. Phúc lợi cho gia đình:
Các chính sách hỗ trợ gia đình như nghỉ phép chăm sóc con cái, nghỉ thai sản kéo dài, hay trợ cấp học phí không chỉ tạo điều kiện cho nhân viên chăm sóc gia đình mà còn giúp họ yên tâm công tác.Ví dụ, tại một số tập đoàn lớn như Google, nhân viên được hỗ trợ về chăm sóc trẻ em và dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cho gia đình.
3. Phúc lợi xây dựng văn hóa:
Một công ty có văn hóa cởi mở, minh bạch và tạo cơ hội cho nhân viên phát triển cá nhân sẽ mang lại nhiều phúc lợi tinh thần. Các hoạt động teambuilding, sự kiện nội bộ, và chính sách thúc đẩy sự kết nối giữa các phòng ban là những yếu tố giúp xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững.
4. Phúc lợi bằng tiền:
Dù không phải là yếu tố quyết định duy nhất, lương thưởng vẫn luôn là một phần quan trọng. Các gói thưởng năng suất, trợ cấp, và chính sách chia sẻ lợi nhuận là những cách để khích lệ nhân viên, giúp họ cảm thấy công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Nhiều công ty hiện nay còn áp dụng chính sách thưởng cổ phiếu để tăng sự cam kết từ phía nhân viên.
5. Phúc lợi bảo hiểm & sức khỏe:
Chính sách bảo hiểm y tế tốt không chỉ giúp nhân viên yên tâm làm việc mà còn giúp họ tiết kiệm chi phí chữa bệnh. Nhiều doanh nghiệp đang mở rộng chương trình bảo hiểm không chỉ cho cá nhân mà còn cho gia đình của nhân viên, giúp họ cảm thấy được chăm sóc một cách toàn diện.
6. Phúc lợi đào tạo & phát triển: Một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân nhân tài chính là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo, khóa học nâng cao kỹ năng, hoặc hỗ trợ học phí cho các chương trình đào tạo chuyên sâu giúp nhân viên cảm thấy được đầu tư và phát triển không ngừng. Theo LinkedIn Learning, 94% nhân viên sẽ ở lại công ty lâu hơn nếu họ thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng.
Tạm kết
“An sinh toàn diện” không chỉ là câu chuyện về lương thưởng, mà còn là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự quan tâm đến hạnh phúc và sức khỏe của nhân viên. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào những chính sách phúc lợi, bao gồm cả tài chính, tinh thần và phát triển cá nhân, để giúp người lao động cảm thấy được gắn bó và có động lực làm việc lâu dài. Trong thế giới việc làm đầy biến động như hiện nay, đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
👉 Tải trọn bộ Báo cáo Xu hướng nhân tài - 10 năm nhìn lại của Anphabe tại đây