Chọn nghề cũ hay nhảy nghề mới để sinh tồn khi mất việc?
Covid-19 đã quay trở lại một cách bất ngờ, cuộc chiến chống dịch sẽ còn rất dài. Vậy chúng ta cần làm gì để mình sẽ là người đầu tiên được giữ lại, ở lại trong đội ngũ tiên phong chứ không phải là người bị chọn để cắt giảm?".
Đó là câu hỏi mà ông Tăng Gia Hải Lam - giám đốc điều hành Buzzmetrics - đặt ra cho người đi làm khi đề cập đến trạng thái VUCA của nền kinh tế.
Ông giải thích, chúng ta tốt nghiệp, có kiến thức, có nghề, đi làm, có kinh nghiệm và có thể đã là cây đa cây đề trong công ty. Nhưng kiến thức không thay đổi, kỹ năng không có sự bổ sung và mãi sử dụng những công cụ quen thuộc.
Ở trong môi trường quen thuộc, chúng ta bị sự quen thuộc ôm ấp, cảm thấy sự quen thuộc làm hài lòng, thoải mái. Nhưng chúng ta không biết ngoài kia có những kho pho-mát khác, và cũng có thể là vì lo sợ nên không dám đi tìm.
VUCA là chữ viết tắt của bốn tính từ: biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ (volatility, uncertainty, complexity and ambiguity)
Tình huống kho pho-mát bị cạn kiệt như trong truyện Ai đã lấy pho-mát của tôi cũng tương tự như khi COVID-19 diễn ra, hay khi kỹ thuật số, công nghệ đang thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp không thích ứng với sự thay đổi đó sẽ bị lung lay.
Họ phải tìm cách để thích ứng, làm chắc lại nền móng và người không có kiến thức về digital, về công nghệ sẽ bị đào thải.
Ông Lam cho rằng dù không có những sự cố như COVID-19, ngày nay, doanh nghiệp cũng luôn phải vận động và phải vận động ngày càng nhanh, phải thiết lập trạng thái "bình thường mới" qua mỗi giai đoạn. Nếu không họ cũng sẽ bị đào thải. Họ cũng yêu cầu người lao động có kiến thức "bình thường mới".
"Lúc trước biết digital là lợi thế, giờ không biết digital là khỏi tìm việc. Lúc này trạng thái "bình thường mới" là phải có kiến thức về digital. Để không là người bị gọi tên, hãy luôn học hỏi, cập nhật kiến thức.
Mỗi ngày đi làm về, công việc rồi gia đình khiến chúng ta quay cuồng, mệt mỏi. Nhưng hãy cho mình 15 phút để đọc một cuốn sách, theo một khóa học, hoặc nói với công ty cho tôi làm thử thách nào đó vì tôi không muốn sống mòn", ông Lam chia sẻ.
Ông cho rằng nhiều người có thể mất việc vì COVID-19, và có thể không có việc sau một thời gian dài, vì doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi, mất cân bằng giữa nhu cầu tuyển dụng.
"Giữa tình trạng khan hiếm việc làm, nếu lỡ bạn luôn là ứng viên tốt thứ nhì và vẫn thất nghiệp sau nhiều tháng, hãy thành thật, đồng thời phải tạo ra sự thật để nói: trong thời gian đó bạn lên Internet không phải để chơi game.
Rất nhiều trường đại học tổ chức những khóa học online trong thời gian giãn cách xã hội. Bạn dành thời gian học các khóa này, bổ sung kiến thức này, có thêm kỹ năng này để sẵn sàng cho công việc mới. Nếu bạn có điều đó để nói với nhà tuyển dụng, họ sẽ dành cơ hội cho bạn", ông chia sẻ.
Đồng thời ông cho rằng nếu mọi người thực sự có đam mê với nghề, COVID-19 là cơ hội tìm hiểu ngóc ngách của nghề, tìm ra trạng thái "bình thường mới" và sáng tạo với nghề.
Ngành cũ khó tìm việc, có nên "nhảy" ngành khác?
Đó là vấn đề mà nhiều người đã mất việc trong dịch bệnh COVID-19 quan tâm khi tham gia sự kiện trực tuyến có tên Drama công sở do Vietnamworks tổ chức.
Ông Nguyễn Thành Hưng - giám đốc nhân sự của Acecook Việt Nam - cho rằng làm trái ngành tất nhiên sẽ có khó khăn nhưng không có nghĩa đó là cản trở. Theo ông, hiện nay nhiều công ty có cơ chế luân chuyển giữa các phòng ban và nhiều người phải luân chuyển giữa những công việc hoàn toàn khác biệt nhau. Đồng thời các công ty cũng có chương trình tuyển vào đào tạo dự phòng, sau đó luân chuyển qua nhiều phòng ban khác nhau để rồi đánh giá và sắp xếp vào phòng ban phù hợp nhất.
"Nếu bạn muốn chuyển ngành, hãy học hỏi và chuẩn bị sẵn sàng để cho thấy bạn phù hợp với ngành mới đó", ông nói.
Ông Tăng Gia Hải Lam cũng cho rằng từ thực tế của một người làm quản lý nhiều năm trong ngành và ngay chính tại công ty ông, có nhiều người đã chuyển ngành và nhờ có sự đam mê, sự đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc nên họ vẫn rất thành công trong công việc mới.
Nếu tình hình dịch tiếp tục căng như vầy thì thật đáng lo lắng đó anh chị em ơi!
Theo Báo Tuổi Trẻ