Người Việt Nam đi làm có 6 kiểu nhân viên: Loại 1 dễ quản, loại 2 dễ kiếm được nhiều tiền
Nguồn nhân lực Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm hành vi đại diện, trong đó ba nhóm đầu thiên về Động lực Ngoại hiện và ba nhóm sau thiên về Động lực Tự thân.
Ảnh: Internet
Khảo sát Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2018 do công ty Anphabe đã kiểm nghiệm các biểu hiện hành vi của 4 tầng động lực trên 75,481 người đi làm có kinh nghiệm. Kết quả, nguồn nhân lực Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm hành vi đại diện, trong đó ba nhóm đầu thiên về Động lực Ngoại hiện và ba nhóm sau thiên về Động lực Tự thân.
6 nhóm hành vi này dẫn tới 6 nhóm nhân viên trong một tổ chức, đơn vị. Là người quản lý, để phát huy hết năng lực của nhân viên cũng như tối ưu nguồn nhân lực, điều cần nhớ là quản trị dựa trên tính cách của họ.
1. Thích ổn định
Nhân sự thuộc nhóm thích ổn định có những biểu hiện của tầng động lực Thưởng phạt, nhưng thiên hướng tiêu cực (làm vì tránh bị phạt, sợ bị mếch lòng, v.v.)
Họ có những đặc điểm sau về sự nghiệp:
- An phận, không tham vọng lớn, coi trọng sự ổn định;
- Tuân thủ kỉ luật, nỗ lực hoàn thành công việc vì tránh bị giảm lương thưởng hoặc khiển trách;
- Cẩn thận, kiên nhẫn, sống hòa đồng và giỏi lắng nghe;
- Ít khi từ chối đồng nghiệp vì không muốn làm mất lòng ai;
- Ngại thay đổi, thích ở trong vùng an toàn họ thường gắn bó rất lâu với một công ty.
2. Thực dụng
Tương tự nhóm Thích ổn định có những biểu hiện của tầng động lực Thưởng phạt, nhưng nhân sự nhóm này thiên về tìm kiếm tưởng thưởng.
Họ có những đặc điểm sau khi làm việc:
- Là người thực tế, xem lương thưởng là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn một công việc và khi chưa thấy rõ quyền lợi là gì thì sẽ chưa đầu tư thời gian, công sức;
- Tham vọng cao, không ngại nhảy việc khi làm một thời gian mà chưa được thăng chức;
- Làm việc tuỳ hứng, đôi khi ít tận tâm nhưng giỏi phân tích và luôn hướng về kết quả;
- Cần được tạo động lực bằng những phần thưởng lớn và liên tục
3. Mê danh tiếng
Nhân sự thuộc nhóm này lại có các biểu hiện rõ ràng của tầng động lực Hòa Nhập và Danh tiếng theo cả hướng tiêu cực và tích cực.
Họ làm việc với những mục tiêu:
- Mục tiêu hàng đầu là thể hiện bản thân và xây dựng uy tín cá nhân;
- Có nhu cầu được khen ngợi, ghi nhận thường xuyên và được ngưỡng mộ;
- Ít sáng tạo nhưng cầu toàn, năng nổ tìm kiếm thành tích mới để nâng cao danh tiếng;
- Có thể hy sinh quyền lợi tiền bạc cho quyền lợi thương hiệu cá nhân;
- Đôi khi nỗ lực hoàn thành công việc vì "sợ mất mặt".
Ảnh: Internet
4. Hướng về kết quả
Nhân sự nhóm này có các biểu hiện của tầng động lực Giá trị và Kết quả theo hướng tích cực. Họ thường làm việc theo phong cách sau:
- Cam kết và nỗ lực cao với mục tiêu đã đề ra như cách thể hiện lòng tự trọng;
- Sẵn sàng học hỏi, chịu khó làm cả những việc không thích để tạo ra thành quả bứt phá;
- Không hài lòng lâu với những thành tích đạt được, thích chinh phục những thử thách mới;
- Nhìn xa trông rộng, luôn lên kế hoạch hành động kỹ lưỡng;
- Tuy nhiên khả năng lắng nghe và hợp tác với đồng nghiệp có thể kém.
5. Theo đuổi giá trị
Nhân sự thuộc nhóm lại lại kết hợp của các biểu hiện đa dạng của cả tầng Giá trị và Kết quả và tầng Vui thích Đam mê.
Họ là những người:
- Có hệ giá trị rõ ràng, công việc cần có ý nghĩa và tiền bạc không phải là động lực chính;
- Trách nhiệm với công việc và hướng về xã hội; Sẵn sàng từ bỏ quyền lợi và dám đón nhận rủi ro để theo đuổi điều mình cho là quan trọng;
- Thuộc tuýp người tự lực, tự chủ, luôn hỗ trợ đồng nghiệp;
Nếu là quản lý thì rất biết cách khuyến khích trao quyền.
6. Yêu công việc
Đây là nhóm nhân sự thể hiện rõ ràng các biểu hiện động lực của tầng Vui thích Đam mê.
Con đường phát triển sự nghiệp của họ thường theo hướng sau:
- Luôn chọn công việc yêu thích nên có nhiều năng lượng tích cực và ý tưởng sáng tạo;
- Chẳng cần thúc ép vẫn luôn có Động lực Tự thân để nỗ lực vượt khó;
- Dám nghĩ dám làm, lạc quan theo đuổi đam mê;
- Đôi lúc ít cẩn trọng, kỹ lưỡng và thiếu tính kiên nhẫn; Là nhóm có chỉ số Nỗ lực cũng như Gắn Kết cao nhất.
Các nhóm này được chia theo nguyên nhân thúc đẩy hành vi quan trọng nhất chứ không phải duy nhất. Ví dụ nhóm Yêu công việc vẫn có nhu cầu tiền bạc, nhưng thấp hơn nhiều so với nhu cầu theo đuổi đam mê. Hoặc nhóm Thích ổn định vẫn có đam mê, nhưng khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, họ thường chọn ổn định và chấp nhận hy sinh đam mê.
Nguồn Cafebiz