Thoát nghèo từ đâu?
Một bạn trẻ than thở, vì hồi đó nhà nghèo, không có tiền nên không đi học thêm tiếng Anh. Vì không có tiếng Anh nên ra trường lương thấp. Nhà lại hoàn nghèo.
Bạn trẻ khác lại than, vì không có tiền nên không thể đi du lịch, đi đây đi đó. Vì không đi đây đi đó nên cũng không biết thế giới người ta làm gì mà bắt chước. KQ: Nghèo bền vững.
Ông nông dân than tui không có tiền mua giống trồng cây, phân thuốc. Nên cuối năm cũng không có thu hoạch gì. KQ: Nghèo rớt mùng tơi. Mùng tơi nấu canh mà còn rớt thì thôi nghèo quá nghèo.
Ông chủ doanh nghiệp nhỏ than, công ty quy mô này tiền đâu thuê người giỏi. Vì không có người giỏi nên doanh nghiệp không phát triển được. Cũng đành chịu vậy chứ sao giờ.
Vậy mấu chốt giải bài toán này nằm ở đâu?
Đột phá từ tư duy. Âm thầm làm việc theo ý mình, chả phải hỏi ý kiến ai. Ví dụ: chú Đức fax trăm bức thư mới mời được ngôi sao bóng đá Kiatisak về. Bay sang Thái chuyển tiền lương luôn cho người ta không đổi ý.
Học mãi tiếng Anh hoặc cái nghề gì đó mình ưa thích mà không xong. Nghỉ việc rồi âm thầm tu luyện mấy tháng, thậm chí mấy năm rồi xuất hiện.
Ở thành phố cạnh tranh không lại, dạt về ngoại ô, về tỉnh xa làm. Lâu lâu quánh con Mẹc lên thành phố shopping.
Vay vốn làm ăn. Thế chấp tất cả, kể cả niềm tin. Thành thì hưởng vinh quang, bại thì nợ nần, trả không được thì lao lý. Có chơi có chịu. Dám làm dám chịu. Ở tù vì tội kinh tế, với người làm ăn, là việc mất thời gian chứ không liên quan gì đến nhân cách. Họ phải trả giá cho việc ra quyết định sai trong kinh doanh, đầu tư. Tuổi thọ 80 năm, chọn làm doanh nhân, ở tù 5 năm thì coi như tuổi thọ mình giảm còn 75 tuổi. Chứ sợ sai mà không dám ra quyết định kinh doanh tài chính thì sao làm lớn. Hiểu biết, tính toán, nắm luật, trung thực, minh bạch, tin dùng người....đều chỉ có thể hạn chế thấp nhất chứ không thể triệt tiêu 100% mọi rủi ro được.
Nếu một người chấp nhận đánh đổi, trả giá....người đó có tố chất của người kinh doanh. Không sợ mất tiền, tư duy "mất thì làm lại", đó là tố chất của người TỰ TIN vào năng lực bản thân. Người này sẽ làm nên đại nghiệp.
Còn vẫn sợ, vẫn muốn an toàn...thì nên làm nghề hành chính sự nghiệp, giáo viên.... Xin vô biên chế 1 lần rồi cứ thế đến ngày về hưu. Mỗi ngày làm công việc như mọi ngày. Nói những câu đó, những động tác đó năm này qua tháng nọ, nếu mình thấy thú vị thì Ok.
Còn muốn làm kinh tế, phải dẹp bỏ tư duy sợ hãi hay cò con. Ngủ 1 mình sợ ma thì doanh nhân gì. Doanh nhân phải đi khảo sát ở những thị trường mới, có khi ngủ bên ngoài súng nổ đì đùng chứ nằm đó sợ ma. Không thì dắt theo em thư ký để ngủ cùng cho hết sợ. Sợ ma là tâm lý của những người có thần kinh rất yếu, không thể làm nên việc gì lớn cả. Con trai mà sợ ma thì vứt. 100% chắc chắn. Các hãng thương mại của Nhật, tuyển nhân viên hay hỏi "có sợ ma không", nếu sợ thì thôi cho làm văn phòng, không cho đi công tác. Ngành hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, ban đêm không thể ngủ với khách du lịch vì "em sợ ma". Yếu bóng vía, ma cũng sợ thì "hù cái, đái ra quần" như dân gian hay nói đối với thành phần yếu mềm trong xã hội.
Đã chọn nghề thì phải chấp nhận "sinh nghề tử nghiệp". Chọn làm bác sĩ phải chấp nhận nguy cơ lây bệnh từ bệnh nhân. Làm vệ sĩ phải chấp nhận bị đoạt mạng để bảo vệ thân chủ. Không thể khi kẻ xấu tấn công, mình làm nghề vệ sĩ mà vội vàng đẩy ông thân chủ ra đỡ đạn, mình núp phía sau he hé mắt nhìn.
Chọn làm kinh tế mà "nhiêu đó được rồi", "chồng giám đốc, vợ kế toán trưởng", quy mô gia đình, không dám cho người ngoài vào vì sợ mất thì sao lớn mạnh được. Trí tuệ, vốn liếng, quan hệ, kinh nghiệm...phải huy động từ xã hội mới làm lớn được. Nhưng có thể có nguy cơ mất cả công ty vào tay người khác. Thì có sao, MẤT THÌ LÀM LẠI. Hoặc làm xong thì bán công ty, mở cái mới. Giờ công ty là hàng hoá, người ta đã xây dựng công ty và rao bán công ty rồi, mình có cái business nhỏ xíu ôm miết. Sợ mất tiền là còn chưa đủ tài năng. Người tài năng chả sợ mất tiền đâu.
Mình không dám đánh đổi, không nghĩ lớn, không chịu rủi ro thì sẽ làm ăn cò con, đắp đổi qua ngày, nhiêu đó làng nhàng miết.
Dân gian có câu
-Có phúc làm quan, CÓ GAN LÀM GIÀU
-Được ăn cả, ngã về không (zero-game)
-Năm ăn, năm thua-Được làm vua, thua làm giặc.
-Thà một phút thật giàu rồi chợt tắt. Còn hơn nghèo hiu hắt suốt trăm năm.
-Dân tộc giàu mạnh đều có máu chinh phục. Dân tộc nghèo đói có máu mai phục.
Đời người vĩ đại hơn thua nhau ở chữ DÁM. Bấm nút play. Nghĩ rồi đứng dậy làm luôn, chết là cùng. Đó là tư duy của 5-10% dân số.
Còn lại thì nói cỡ nào cũng khó mà lay chuyển lòng họ. Háo hức lắm, quyết tâm lắm nhưng tới phút 89, nghĩ lại nên thôi. Em xin dừng cuộc chơi tại đây để bảo toàn số tiền vừa kiếm được. Đời em thế thôi, động não thu gom để 1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh. Xong roài hết cuộc đời. 100 năm 1000 năm, chả ai nhớ mình là ai đã từng đi qua trái đất này. Không có bất cứ thành tựu gì để lại cho nhơn loại, cho xã hội, cho quê hương, cho đất nước, cho tỉnh nhà, cho huyện nhà....
Thì cũng không có gì sai. Nhưng nếu tầm suy nghĩ chỉ tới đó, mà là đứa có trí thì hơi uổng.
Nguồn Tony Buổi sáng