Vắc-xin gắn kết nhân viên trong giai đoạn "bình thường mới"
Trong giai đoạn “bình thường mới”, chúng ta luôn phải đối mặt với những “biến động mới”. Những thách thức kinh tế, xã hội chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và sự đóng góp của người đi làm. Làm thế nào để doanh nghiệp luôn trong trạng thái sẵn sàng thay đổi & linh hoạt ứng biến để vừa đảm bảo nhiệm vụ truyền lửa cho nhân viên?
Câu hỏi này đã được đặt ra tại chương trình hội nghị trực tuyến "Vietnam Excellence 2021 – Ngược gió vươn cao" do Alphabe tổ chức chiều nay 28/10.
Vaccine gắn kết nhân viên thời khó
Trao đổi tại tọa đàm "Vắc xin gắn kết nhân viên thời khó", bà Lê Thị Hồng Ánh, Giám đốc Nhân sự, Sanofi Đông Dương nhìn nhận, khi dịch COVID-19 diễn ra, những người làm nhân sự bắt đầu một cuộc chiến mới chưa từng có tiền lệ khi phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ và xử lý những công việc chưa từng xử lý nhằm định hình lại khái niệm làm việc như ứng dụng CNTT để kết nối nhân viên và khách hàng, thay đổi mô hình làm việc để đảm bảo tương tác từ xa cho nhân viên và cải tiến những chức năng tương tác online nhiều hơn để tạo thuận lợi cho nhân viên, chưa kể việc chăm sóc và gắn kết tinh thần cho nhân viên.
"Mùa này, những người làm nhân sự thực sự là siêu nhân khi vừa đảm bảo khối lượng công việc gấp nhiều lần, vừa chăm sóc nhân viên, vừa chăm sóc gia đình vừa chăm sóc cho bản thân mình.", bà Ánh nói.
Đồng quan điểm, bà Cáp Thị Minh Trang - Giám đốc Nhân sự, Việt Nam & Campuchia kiêm Giám đốc Nhân sự Vùng Đông Á & Nhật Bản, Mảng An Toàn Năng Lượng tại Schneider Electric cho rằng, COVID-19 giúp mình "được làm" để nâng cao tay nghề nhân sự của mình. "Điều tôi trăn trở nhất là an toàn sức khỏe cho nhân viên và người thân của nhân viên. Khi không may có nhân sự hay người thân bị mắc COVID-19, người làm nhân sự phải làm sao ngay lập tức tổ chức công việc để đảm bảo được thông suốt. Thêm nữa là làm sao gắn kết được nhiều người khi tất cả làm việc ở nhà, không nhìn thấy mặt nhau, làm sao có thể truyền lửa, gắn kết được mọi người", bà Trang bày tỏ.
Còn theo bà Văn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Nhân sự - Lazada Vietnam cho biết, Lazada là đơn vị TMĐT, COVID-19 là cơ hội giúp ngành này phát triển rất nhanh tuy nhiên cũng gặp một vấn đề lớn khi áp dụng ba tại chỗ cho đội ngũ logistics làm sao để vừa đảm bảo an toàn, vừa phải đẩy nhanh tốc độ phát triển của công ty. "Thách thức chưa từng có tiền lệ", bà Hạnh nói.
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng cho rằng, tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, người lao động của công ty nào cũng sẽ có những suy nghĩ, trăn trở. Điều này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo của công ty phải quan tâm đúng lúc và nắm bắt tâm lý của họ. Dẫn chứng câu chuyện tại Schneider, bà Trang cho biết, nhân viên của công ty cũng rất quan tâm tới tình hình sức khỏe cũng như sự hỗ trợ của công ty đối với việc tiêm vaccine, hay chế độ của công ty nếu nhân viên hay người nhà không may mắc COVID-19. Những thay đổi này cũng yêu cầu bộ phận nhân sự của công ty phải có sự thay đổi, giới thiệu trong benefit (lợi ích) của nhân viên để họ nắm được.
"Ngay lập tức công ty có "COVID-19 benefit" quy định hỗ trợ về thiết bị y tế, cho nhân viên nghỉ 14 ngày có lương nếu nhân viên hoặc người nhà nhân viên không may mắc COVID", bà Trang cho biết. Bên cạnh đó, một sự thay đổi của nhân viên nữa theo bà Minh Trang là nỗi lo về giảm lương, phúc lợi hay mất việc. Về phía công ty cũng cần công bố những chiến lược đảm bảo nhân viên không mất việc thì cần công bố để nhân viên được biết để họ ổn định về mặt tâm lý.
Bên cạnh đó, bà Trang cho rằng, bộ phận front office (nhân sự những bộ phận mũi nhọn trong doanh nghiệp) cũng mang nỗi lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng tới giảm doanh thu thì có giảm chỉ tiêu không hay có chương trình nào hỗ trợ không.
Còn theo bà Hồng Hạnh, đối với nhân viên lúc này sức khỏe và sự an toàn là quan trọng nhất đối với họ. Bên cạnh đó, nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe khi xung quanh có rất nhiều thông tin cả tốt và xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ở Lazada lại gặp một thử thách mới đó là bổ sung những kỹ năng giúp người lao động có thể làm việc trong bối cảnh mới và đẩy nhanh cơ hội ngàn vàng của ngành TMĐT,...
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm "Vắc xin gắn kết nhân viên thời khó".
Truyền lửa mùa khó
Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc tại Anphabe cho rằng, giữa đại dịch, người đi làm quan trọng nhất sinh mạng và sinh kế, khi đó vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp là làm cho họ an toàn và an tâm và làm sao để truyền lửa cho họ.
Theo bà Hồng Ánh, doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hơi với nhiều hoạt động để nhân viên cảm thấy được quan tâm, được gắn kết hơn trong mùa dịch. "Các hoạt động học tập ở Sanofi vẫn diễn ra rất sôi nổi, chúng tôi có chương trình Never stop learning khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học online để mài giũa vũ khí là kỹ năng mềm của mình khi quay trở lại làm việc bình thường sau dịch. Ngoài ra cũng có chương trình phát triển nhân tài cũng được triển khai khiến nhân viên rất yên tâm vì vẫn được trang bị kiến thức và kĩ năng cần thiết để khi quay trở lại làm việc sẽ nhanh chóng thích nghi và làm việc trong trạng thái bình thường mới một cách hiệu quả. Sanofi có nhà máy nên ngoài các hoạt động nâng cao thể chất và tinh thần, việc đảm bảo làm việc khi ba tại chỗ tại nhà máy cũng rất quan trọng. Ví dụ như việc sắp xếp sân tập thể dục thể thao, kêu gọi nhân viên cùng nhau chăm sóc vườn rau ăn trái trong khuôn viên nhà máy. Công ty cũng sản xuất chương trình radio online và kêu gọi sự góp sức của đội ngũ nhân viên mang tên Fresh Mina, để trao tặng lời ca tiếng hát của những ca sĩ cây nhà lá vườn", bà Ánh chia sẻ.
Tại Lazada Việt Nam, khi hiểu được mối quan tâm hàng đầu của nhân viên thì doanh nghiệp chọn cách trở thành một đối tác gần gũi nhất với họ. "Thời gian tới, mục tiêu vẫn là đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên. Đối với khối văn phòng có những chương trình thư giãn để giúp nhân viên vận động sau giờ làm việc căng thẳng. Còn với khối Techlonogy, Logistics và khối văn phòng thì có những chương trình nói chuyện, bổ sung kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình trong mùa dịch. Công ty cũng có chương trình lắng nghe nhân viên khi họ có những mối lo sợ, stress sẽ có chuyên gia tư vấn cho nhân viên,...", bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, doanh nghiệp cũng có một số chương trình truyền đi thông điệp công ty là người đồng hành với nhân viên và để họ thấy được công ty cũng đang góp một phần với cộng đồng để làm những việc ý nghĩa hơn như cùng nhau làm từ thiện như siêu thị 0 đồng, tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn người lao động như đội ngũ bán hàng online để thúc đẩy họ chuyển nền tảng bán hàng từ offline lên online.
Với Schneider, thấu hiểu mùa này làm việc gặp rất nhiều khó khăn nên mình có những ghi nhận họ, trước đây có thể ghi nhận hàng quý, hàng năm thì giờ hàng tuần. "Càng khó càng gắn bó", bà Trang cho biết.
Bên cạnh đó, bà Trang cũng cho rằng, ở doanh nghiệp, nguyên tắc gắn kết phải dựa trên sự chân thành, nhân viên phải cảm nhận được công ty, chính sách của công ty thực sự thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với mình. Người lãnh đạo không chỉ thể hiện mà phải thực hiện sự chia sẻ đó để nhân viên có thể cảm nhận được.
Nguyên tắc kết nối đầu tiên phải xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu và phải thực hiện những gì mình nói. "Ở Schneider có nguyên tắc nữa đó là kết nối thường xuyên hơn trong mùa dịch. Tất cả hoạt động như các cuộc họp rút ngắn hơn. Trước đây là các cuộc họp hàng quý sẽ tiến hành hàng tháng, các cuộc họp hàng tháng sẽ tiến hành hàng tuần, team meeting gặp nhau hàng tuần,... Khi tình hình team và tình hình kinh doanh biến động liên tục thì phải kết nối với mọi người thường xuyên hơn, để nhân sự thấy được lãnh đạo, công ty luôn ở sau mọi người hỗ trợ", bà Trang cho biết.
* Xem toàn bộ nội dung tọa đàm TẠI ĐÂY!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp