Tránh Rác Thị Phi Nơi Công Sở
MONDAY MOTIVATION #83 – Let's start a beautiful week!
#Bạnhỏi_Thanhtrảlời
Chào các bạn, tuần này Monday Motivation tiếp tục tư vấn về một tình huống được gửi tới Anphabe. Nếu có những băn khoăn và muốn có thêm cảm hứng hạnh phúc trong công việc và cuộc sống, bạn hãy nhắn tin tới Anphabe nhé!
Bạn Hoa ở Vũng Tàu tâm sự cùng Monday Motivation rằng: “Em làm ở một công ty có nhiều nhân viên nữ. Dạo này công ty thay đổi nhiều, công việc khá áp lực và mọi người hay tụm lại bàn tán. Em không thích chuyện thị phi công sở nhưng cũng không muốn bị coi là thiếu hòa đồng. Theo chị, em nên làm thế nào?”
Một tình huống rất hay gặp chốn văn phòng, cám ơn Hoa. Làm thế nào để hòa nhập với đồng nghiệp mà vẫn có thể “tránh rác thị phi” nơi công sở?.
Thực ra, tám là nhu cầu trao đổi thông tin tự nhiên của con người, nhất là chị em phụ nữ. Khi có nhiều thay đổi khó lường, công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng, hiển nhiên mọi người ở công ty sẽ dễ lo lắng hơn, càng có nhu cầu chia sẻ, muốn có thêm thông tin… Đáng tiếc những chuyện “thì thầm to nhỏ” thường chỉ dẫn tới 1 số kết cục như :
- Thấy buồn chán hơn, tự nhiên “gánh thêm” những lo lắng mới
- Ghét ai đó hoặc bất mãn thêm với công ty
- Dễ có những hành động tiêu cực như xin nghỉ việc, nói xấu sếp, xa lánh đồng nghiệp, vv
Khi ai đó rủ bạn nói chuyện hoặc chia sẻ gì đó, thì bạn không nên từ chối mãi. Tuy nhiên, bạn nên có 1 số lưu ý như sau:
#1.Lắng nghe mà không phán xét
Chúng ta lắng nghe để giúp người khác vơi bớt những suy tư lo lắng, nhưng không để mình bị cuốn vào mớ cảm xúc tiêu cực của họ. Nếu cũng tham gia phán xét vấn đề thế này, đánh giá người nọ thế kia như một cách cảm thông, thì chả khác nào bạn đang “đổ thêm dầu vào lửa”.
Cố gắng lắng nghe với sự tỉnh táo, và biết cách đặt câu hỏi để hướng đồng nghiệp về việc họ sẽ làm gì cho vấn đề tốt hơn chứ đừng trở thành “đồng minh” cùng khẳng định thêm những suy nghĩ tiêu cực họ đang có.
#2. Là người quan sát, chớ là nạn nhân
Để kéo bạn vào hùa, những “bà tám công sở” tất nhiên sẽ tám về những việc có vẻ rất liên quan đến bạn, kiểu như nghe nói sếp bạn thế nào, công việc sắp tới của bạn ra sao, vv. Nếu mà đánh trúng một vài lo lắng thầm kín của chính mình thì bạn sẽ rất dễ rơi vào bẫy “kể khổ” lại với họ. Lúc này, bạn phải rất cool: Chú ý Kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình để đừng đóng vai “nạn nhân, mà chỉ giữ vai trò của 1 người quan sát: Đó là ghi nhận thông tin, “chị nói thế thì e biết thế”, hành xử chuyên nghiệp không thêm thắt ý kiến hay bình luận gì, sau đó khéo léo hướng câu chuyện sang hướng khác.
#3. Không “tiếp tay” cho “kẻ xấu”
Trong những câu chuyên công sở, có bao điều chỉ là sự đơm đặt hoặc ý kiến cá nhân một chiều, thế nên mới gọi là “thị phi”. Sống trong cùng một môi trường thì dù có tránh, những thông tin đó ít nhiều cũng sẽ đến tai bạn. Để không bị dính vào những hậu quả của “rác thị phi”, mỗi chúng ta phải kiên quyết nói KHÔNG với cái xấu: Không “gió chiều nào che chiều ấy", Không lan truyền những thông tin mà bạn chưa chắc chắn, luôn thể hiện sự tích cực & chân thành trong mọi trường hợp.
Chúc Hoa và các bạn một tuần mới với những câu chuyện tích cực, tránh xa thị phí. Nhớ like Anphabe Fanpage và Monday Motivation cho bạn bè có thêm nhiều bí quyết hạnh phúc trong công việc và cuộc sống nữa nha!
#Thịphicôngsở
#Monday_Motivation; #Start_a_beautiful_week; #Anphabe; #Happiness_at_Work