11 điều có thể bạn chưa biết về LinkedIn
Vào tháng 12 năm 2002, LinkedIn được đồng sáng lập bởi Reid Hoffman, CEO đầu tiên của công ty, ngay tại phòng khách nhà ông, và chính thức hoạt động ngày 5/5/2003. Đây là một trang mạng xã hội chủ yếu dành cho người đi làm. Nhà tuyển dụng có thể đăng tuyển và người tìm việc thì tải CV của mình lên, ngoài ra còn nhiều chức năng khác nữa.
Có thể nói, LinkedIn là một trang mạng có sức ảnh hưởng lớn và là một câu chuyện thành công kể từ khi trang này được ra mắt. Trang web đã phát triển dần chỉ từ vài nghìn thành viên cho đến hàng trăm triệu người dùng rộng khắp các quốc gia như hiện nay. Linkedin có sẵn trên 24 ngôn ngữ khác nhau và là một trong những website phổ biến nhất thế giới.
Hãy cùng tìm hiểu thêm những sự thật thú vị xoay quanh ông lớn Mạng xã hội này nhé.
1. Nhà đồng sáng lập LinkedIn là một thành viên của “PayPal Mafia”
Sau khi eBay mua lại PayPal vào năm 2002, tất cả (ngoại trừ 12 trong số 50 nhân viên ban đầu) đã rời đi. Và một số thành viên chủ chốt đã để lại ấn tượng mạnh trong giới kinh doanh sau này. Họ được biết đến với tên gọi PayPal Mafia, những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp công nghệ cao tại Thung lũng Silicon. Họ là kết quả từ nền văn hóa đặc trưng của PayPal, nơi khuyến khích tình đồng đội gắn kết giữa các nhân viên.
Reid Hoffman, một thành viên của PayPal Mafia, đã dùng tiền kiếm được từ PayPal và rủ 4 người khác gồm bạn và đồng nghiệp cũ của mình cùng sáng lập nên LinkedIn.
2. Trang web hiện tại có hơn 800 triệu users
Trong tháng đầu tiên hoạt động, LinkedIn chỉ có 4500 thành viên. Nhưng vào cuối năm 2003, con số này đã tăng lên đến 500 nghìn người. Họ vượt mốc 1 triệu users vào tháng 4 năm 2004 rồi 10 triệu users 3 năm sau đó. Đến tháng 4 năm 2017, LinkedIn đã 500 triệu users ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tính đến 2020, người dùng LinkedIn đã lên đến mức hơn 700 triệu người (đến 2022 đã hơn 800 triệu người dùng) và cứ mỗi 2 giây lại có lượt đăng ký mới.
3. Trang web được khởi chạy ở “Chế độ ẩn”
Lúc LinkedIn đi vào hoạt động năm 2003, rất ít người biết về nó. Do Reid Hoffman không muốn công khai vội. Ông biết phải mất một thời gian để điều chỉnh cho trang web chạy được êm xuôi. Nhưng cũng chẳng giấu nhẹm đi được vì sau cùng mấy tay nhà báo và bloggers đã hay tin và viết về trang web mới.
Rồi bắt đầu có những đánh giá. Phần lớn là tiêu cực. Chỉ trích xoay quanh việc trang này tách bạch tính cá nhân khỏi công việc dù là mạng xã hội . Người ta nói rằng nó thật buồn tẻ, thiếu tính xã hội và có quá nhiều thiết lập riêng tư. Hoffman không hài lòng với những đánh giá này một chút nào. Thành ra, ông tạo thói quen mời người dùng LinkedIn đi ăn trưa và hỏi xin feedback để còn biết được chỗ nào tốt rồi, chỗ nào chưa mà cải thiện.
4. Linkedin đạt lợi nhuận năm 2007
Ban đầu, toàn bộ dịch vụ của Linkedin là miễn phí. Như nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ khác, lợi nhuận không phải là mục tiêu trước mắt của họ. Trọng tâm là làm sao để tăng trưởng kìa. Hoffman đã tự chi trả mọi chi phí cho giai đoạn đầu của dự án. Có vẻ như công ty có thể có lãi năm 2006 nhưng vào cuối năm tài chính họ lỗ ròng 677 nghìn USD.
Năm đầu tiên sinh lời, họ chỉ đạt 328 nghìn USD lợi nhuận từ nguồn thu 2 triệu USD. Năm 2010, LinkedIn thu về hơn 10 triệu USD lợi nhuận và đến năm 2012, thu nhập ròng của công ty là 26 triệu USD. Tuy nhiên, khó mà giữ doanh thu thuần của công ty ổn định. Thực tế vào năm 2015, LinkedIn đã lỗ mất 166 triệu USD cho đến khi được Microsoft mua lại. Suy cho cùng, lợi nhuận vẫn là mục tiêu thứ yếu so với mục tiêu tăng trưởng.
5. Nhà đồng sáng lập và chủ tịch điều hành LinkedIn, Reid Hoffman sở hữu khối tài sản trị giá 2 tỷ USD
Trước khi đồng sáng lập LinkedIn và trở thành chủ tịch điều hành của công ty, Reid Hoffman đã là một doanh nhân cực kỳ thành đạt. Ông đã từng làm việc cho Apple Computer và Fujitsu trước khi thành lập công ty của riêng mình có tên SocialNet vào năm 1997. SocialNet là trang web hẹn hò trực tuyến và một số người xem đây như một trong những mạng xã hội đầu tiên mặc dù nó không thành công, một phần vì nó là ý tưởng đi trước thời đại. Sau đó, ông đã giúp thành lập nên PayPal và trở thành COO của công ty vào năm 2000.
Sau khi PayPal được mua lại, Hoffman cùng đội ngũ sáng lập từ PayPal và SocialNet tạo ra LinkedIn và ông trở thành chủ tịch điều hành. Ngoài ra, ông còn nổi danh là một trong những nhà đầu tư huyền thoại tại thung lũng Silicon với nhiều khoản đầu tư vào các công ty công nghệ, có thể kể đến như Facebook, Zynga,... Tài sản hiện nay của ông được ước tính khoảng 2 tỷ USD.
6. LinkedIn mất 11 tỷ vốn hóa thị trường năm 2016
Chính xác là ngày 5/2/2016, LinkedIn đã trải qua đợt rớt giá cổ phiếu nghiêm trọng nhất lịch sử công ty, sau khi mạng xã hội dành cho người đi làm này gây chấn động phố Wall với dự báo doanh thu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Giá cổ phiếu giảm hơn 80 USD, tương đương 44%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Công ty đã mất 11 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong một ngày, nhiều hơn cả toàn bộ vốn hóa của Twitter tại thời điểm đó.
7. CEO thứ hai được thuê qua LinkedIn
Năm 2006, Reid Hoffman quyết định rời ghế CEO để dành nhiều thời gian hơn tập trung phát triển trang web. Ông đã dùng LinkedIn để tìm người thay thế mình. Ông chọn Dan Nye, lúc đó là tổng giám đốc tại Advent Software. Mặc dù Dan Nye nắm giữ vị trí CEO chưa đầy 2 năm, LinkedIn đã tăng từ 9 triệu lên 35 triệu người dùng và doanh số tăng 900% trong nhiệm kỳ của ông.
8. LinkedIn trở thành công ty đại chúng năm 2011
LinkedIn đã đệ đơn xin tham gia vào thị trường chứng khoán NYSE vào tháng 1 năm 2011 và chính thức trở thành công ty đại chúng ngày 19/5/2011. Ở đợt phát hành đầu tiên, cổ phiếu được bán với giá 45 USD/cổ phiếu và chốt lại cuối ngày ở mức giá hơn 94 USD/cổ phiếu, tăng 109%. Sau ngày đầu tiên chào sàn, vốn hóa thị trường của LinkedIn là 9.4 tỷ USD.
9. Microsoft chi 26,2 tỷ USD mua lại LinkedIn
Microsoft thực hiện ý định mua lại LinkedIn vào tháng 6 năm 2016. “Gã khổng lồ” công nghệ sẵn sàng chấp nhận trả giá 26,2 tỷ USD (tương đương 196 USD/cổ phiếu), cao gấp rưỡi so với giá thị trường của LinkedIn lúc bấy giờ. Nguyên nhân là do LinkedIn sở hữu một đội ngũ chuyên gia dữ liệu khá mạnh mà bất cứ công ty công nghệ nào cũng mơ ước. Bên cạnh đó, mạng lưới chuyên nghiệp khổng lồ từ LinkedIn là yếu tố hỗ trợ Microsoft phát triển các gói phần mềm quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Jeff Weiner vẫn nắm giữ chức vụ CEO và hầu hết các hoạt động của công ty vẫn được giữ nguyên. Theo các điều khoản của thương vụ này, LinkedIn vẫn sẽ duy trì thương hiệu, văn hóa và sự độc lập đặc trưng của mình thay vì sáp nhập hẳn vào Microsoft.
10. Doanh thu của LinkedIn đạt 6,8 tỷ USD năm 2019
LinkedIn mang về doanh thu chủ yếu từ Talent Solutions - công cụ giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân tài và một khoản đáng kể từ quảng cáo, đăng ký trả phí và các giải pháp Marketing. Có vẻ như doanh thu của LinkedIn liên tục tăng kể từ sau thương vụ với Microsoft. Doanh thu năm 2019 của LinkedIn đạt 6,8 tỷ USD, một bước nhảy vọt từ mức 5,3 tỷ USD vào năm 2018.
11. LinkedIn là thương vụ mua lại đắt đỏ nhất của Microsoft từ trước đến nay
Microsoft đã thâu tóm một số lượng lớn các công ty công nghệ trong lịch sử hoạt động của họ, nhưng không có thương vụ nào có thể so với LinkedIn. Thực tế, số tiền 26,2 tỷ USD mà công ty này bỏ ra để mua lại LinkedIn cao gấp 3 lần thương vụ mua lại đắt thứ hai của họ, Skype, trị giá 8,5 tỷ USD hồi năm 2011. Công ty đắt đứng thứ 3 là GitHub trị giá 7,5 tỷ USD được mua lại năm 2018.
Từ tháng 9/2019, Anphabe trở thành đối tác chính thức của Linkedin tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và đẩy mạnh thương hiệu nhà tuyển dụng đột phá, vui lòng liên hệ Anphabe Team: * Hotline: (84) 98 865 7881 hoặc |