3 câu hỏi cần phải trả lời được trước khi chọn ngành
Lựa chọn ngành học luôn là vấn đề đau đầu với các bạn trẻ đứng trước kế hoạch du học, nhất là khi có hàng ngàn khóa học trên toàn thế giới. Khi hiểu biết về các công việc vẫn còn hạn chế, lựa chọn ngành học sai hướng có thể sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai. Do đó, bạn sẽ phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố khác nhau như năng lực, sở thích, thời gian, học phí, kỳ vọng nghề nghiệp...
Dưới đây sẽ là những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn nên tự đặt ra cho mình trước khi lựa chọn.
Câu hỏi 1: Tôi giỏi cái gì?/ Tôi không giỏi điều gì?
Chương trình đại học thường kéo dài 3 tới 4 năm, sẽ thật lãng phí nếu bạn dành cả quãng thời gian dài này để học thứ bạn không mấy hứng thú, nhất là với những chương trình nằm ngoài năng lực của bạn.
Vậy nên, đầu tiên hãy tự hỏi bản thân xem bạn thích học gì khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế là hồ sơ đăng kí nhập học của bạn sẽ mạnh hơn đáng kể nếu bạn gửi kèm một lá thư giới thiệu, trong đó thể hiện được môn học thế mạnh của bạn có liên quan đến chương trình mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn là một siêu sao trong các môn khoa học thời phổ thông trung học, việc đăng kí học một khóa học vật lý ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi giáo viên cấp 3 có thể viết thư giới thiệu giúp bạn, nói rằng bạn đã học tốt môn này như thế nào.
Hoặc, bạn có thể suy nghĩ về những môn mà mình chắc chắn không muốn gặp lại ở đại học. Việc loại trừ những ngành học có liên quan đến những môn học đó sẽ giúp bạn thu hẹp danh sách lựa chọn.
Tóm lại, việc nhìn vào bằng cấp và điểm số của chương trình đào tạo trước đó sẽ giúp bạn đánh giá liệu mình có đủ khả năng để học lĩnh vực mong muốn hay không. Bạn nên xem xét điều này 2 năm trước khi lập kế hoạch du học. Nhờ vậy bạn có thể biết mình cần học thêm những gì để đáp ứng những yêu cầu đặt ra và sắp xếp để học các lớp đó.
Câu hỏi 2: Sở thích của tôi là gì?
Nếu bạn không thể tìm ra môn học mà bạn thật sự giỏi hay lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi ở bậc đại học, hãy nghĩ về những sở thích, đam mê ngoài giờ lên lớp của bản thân. Bạn có thể rất thích thú với những sở thích của mình nhưng lại hiếm khi nghĩ rằng mình có thể theo học một khóa học (hay theo đuổi một ngành nghề) liên quan đến chúng. Để khám phá sở thích của mình, bạn có thể tìm đến những hoạt động ngoại khóa được tổ chức bởi các nhóm, hội/câu lạc bộ trên khu học xá và cả những sở thích cá nhân. Ví dụ nếu bạn rất thích tổ chức sinh nhật cho bạn bè bố mẹ thì rất có thể bạn sẽ thích học về tổ chức sự kiện, quản lý dự án, makerting...
Có nhiều khóa học đang được mở ra mỗi ngày, nhằm chuẩn bị và phát triển nhân tài cho các ngành công nghiệp đang phát triển như hoạt họa hay thiết kế trò chơi điện tử. Việc bạn tham gia các dự án, sự kiện và nắm vững kiến thức liên quan đến những sở thích này có thể chỉ ra rằng bạn rất mê lĩnh vực đó và đủ khả năng để tham gia khóa học liên quan. Hãy tìm hiểu những người mà bạn thần tượng và xem họ đã học ngành gì/ ở đâu để có thêm gợi ý về những khóa học cụ thể.
Câu hỏi 3: Tôi muốn làm gì để phát triển sự nghiệp?
Bạn có thể biết rõ mình muốn theo lĩnh vực nào, điều này giúp bạn có thể chọn lựa chương trình học một cách dễ dàng hơn, đặc biệt nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ hay luật sư. Bạn có thể đọc các bài viết trong chuyên mục Tiêu điểm ngành học của Hotcourses Vietnam để biết thêm về nghề nghiệp bạn hằng mơ ước và cách để đạt được ước mong của mình.
Còn nếu không, có nhiều con đường dẫn đến nghề nghiệp mơ ước của bạn, một vài con đường sẽ có thể cho phép bạn học thứ gì đó khác biệt trước khi chuyển đổi sang ngành nghề cuối cùng. Hãy nói chuyện với những người đang hoạt động trong lĩnh vực đó để biết họ đạt được mục tiêu nghề nghiệp như thế nào, họ đã học những gì (hoặc họ ước có thể học gì trước khi vào nghề).
Một cách nữa là theo dõi các trang tin cập nhật xu hướng tuyển dụng trên thị trường. Nhưng quan sát và nắm bắt không có nghĩa là bạn nên chạy theo lựa chọn của đám đông. Khi ngành Công nghệ thông tin nổi lên vào những năm 2000, rất nhiều các bạn trẻ đã chọn công nghệ thông tin làm ngành học để theo đuổi trong thời gian du học. Tuy nhiên trong thời gian học tập xa xứ, thị trường việc làm trong nước của ngành này cũng phát triển không kém, dẫn đến cơ hội việc làm dần thu hẹp và cạnh tranh cao. Tương tự như đối với các ngành chứng khoán. Khi chứng khoán mới du nhập về Việt Nam các bạn trẻ lại chạy theo du hướng này, nhưng biết đâu thị trường chứng khoán tại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ đủ để cung cấp quá nhiều cơ hội việc làm với mức lương tương xứng với kỳ vọng của các du học sinh
Bài viết liên quan: học kế toán online học quản trị doanh nghiệp học quản trị kinh doanh