Chia sẻ những kỹ năng làm đẹp CV cho ứng viên
CV là bước tiếp cận nhà tuyển dụng đầu tiên của ứng viên. Một CV thiếu chuyên nghiệp chắc chắn không thể mang đến cơ hội phỏng vấn trực tiếp cho bạn. Nhằm hỗ trợ các ứng viên thuận lợi vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ, TalentBold hôm nay sẽ chia sẻ những kỹ năng làm đẹp CV của ứng viên, chú trọng những yếu tố được nhà tuyển dụng quan tâm nhất.
I. Kỹ năng làm đẹp hình thức trình bày CV
Một bản CV chỉ toàn chữ và chữ từ lâu đã không còn giúp ứng viên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nữa. Thay vào đó là những yếu tố hình thức bắt mắt đang trở thành xu hướng hiện nay:
1. Màu sắc CV
Một CV quá lòe loẹt đủ mọi màu sắc cũng có thể gây phản tác dụng. Do vậy, ứng viên chỉ cần lựa chọn một số màu sắc trung tính là đủ thu hút nhà tuyển dụng khám phá CV của bạn.
Những màu được khuyến khích sử dụng là:
-
Màu nâu đậm cho các tiêu đề chính
-
Màu xanh dương đậm cho các mục nhỏ
-
Màu đen đảm nhận phần nội dung chi tiết
2. Kẻ khung hoặc liệt kê nội dung trong CV
CV cần trình bày súc tích nhưng vẫn làm nổi bật những nội dung quan trọng. Để đạt được yêu cầu này, có 2 cách áp dụng phổ biến:
a. Kẻ khung nội dung
Bạn có thể kết hợp những nội dung cần chia sẻ về thông tin cá nhân, quá trình học tập hay những nội dung mang tính chất liệt kê vào những ô khung.
Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng theo dõi ý chính trong từng nội dung, không bị nhàm chán khi phải đọc quá nhiều chữ.
b. Liệt kê nội dung
Sử dụng một tiêu đề chính, ví dụ : bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ chuyên ngành, thông tin cá nhân…
Sau đó, mỗi ý triển khai sẽ là một dòng ngắn gọn, với các dấu ký hiệu đầu dòng (như gạch đầu dòng, dấu tròn đen, dấu mũi tên…) giúp dễ quan sát
3. Kiểu chữ in đậm
Nếu bạn thích thể hiện CV một cách chân phương, mộc mạc thì tông màu đen toàn CV vẫn sẽ hiện hữu, và cách giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng sẽ thông qua những vị trí in đậm.
Thông thường tiêu đề chính , tiêu đề nội dung sẽ là nơi bắt buộc in đậm nếu bạn muốn được nhà tuyển dụng chú ý CV của mình.
Bạn có thể dùng chữ in nghiêng ở những mục phụ trong từng nội dung chính nhưng điều này không được khuyến khích vì nó như kiểu “chuyển kênh tivi” ấy, khiến người sàng lọc hồ sơ khi đọc sẽ phải chuyển trạng thái đọc trong não bộ. Với người dễ tính thì không sao, người khó tính có thể sẽ bực mình.
4. Chia bố cục đặc biệt
Không nhất thiết phải trình bày CV theo suốt chiều dọc tờ A4, bạn có thể tham khảo nhiều cách trình bày độc đáo nhưng không quá phức tạp được giới thiệu trên mạng internet.
Dạng trình bày CV được khuyến khích hiện nay là chia chiều dọc giấy A4 thành 2 bên:
-
Một bên là hình ảnh, thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ
-
Một bên là những thông tin về bằng cấp,kinh nghiệm làm việc
Ví dụ : https://www.topcv.vn/mau-cv-tieng-viet/onepage_impressive_2
II. Kỹ năng làm đẹp nội dung CV
Hình thức là yếu tố giúp nhà tuyển dụng chú ý đến CV của bạn, nhưng để họ quyết định chọn bạn hay không đều phụ thuộc vào nội dung CV. Để sự chăm chút hình thức CV không trở nên uổng phí, bạn cần kết hợp với kỹ năng làm đẹp nội dung CV
1. Trình bày súc tích
Hãy tưởng tượng mỗi ngày nhà tuyển dụng sẽ phải đọc hàng trăm email, trích xuất hàng trăm CV, sau đó, kiểm tra nội dung từng CV một, trong khi hàng tá công việc vẫn đang chờ đợi họ hoàn thành.
Vì vậy, súc tích nội dung CV chính là bạn đang vì người khác và cũng là vì mình đấy.
2. Bám sát thông tin đăng tuyển
Tiêu chí tuyển dụng của mỗi doanh nghiệp đều khác nhau, đó cũng là lý do một CV không thể phù hợp để nộp cho mọi nhà tuyển dụng.
Muốn nâng cao tỷ lệ thành công,bạn phải bám sát nội dung trong bản tin đăng tuyển,cụ thể:
a. Yêu cầu tuyển dụng
Tại đây những yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, độ tuổi, giới tính, kỹ năng quan trọng… sẽ được đề cập.
Đây là cơ sở để bạn thể hiện sự phù hợp của mình ở mục
-
Thông tin cá nhân
-
Trình độ học vấn
-
Trình độ ngoại ngữ
-
Trình độ tin học
-
Kỹ năng nghiệp vụ
b. Mô tả nhiệm vụ công việc
Đây là nội dung quan trọng nhất, là yếu tố mang đến lợi thế cạnh tranh cho bạn trong quá trình sàng lọc CV.
Từng mục nhiệm vụ trong đây sẽ là điều bạn phải nỗ lực thể hiện trong phần “Kinh nghiệm làm việc” thực tế.
-
Ứng viên có thể chia phần kinh nghiệm làm việc theo giai đoạn thời gian ở từng công ty.
-
Những kinh nghiệm tương thích hoàn toàn với nhiệm vụ đăng tuyển, nếu có thể bạn hãy dùng trọn lời văn của nhà tuyển dụng để liệt kê vào CV của mình.
Ví dụ : trực tiếp liên lạc khách hàng để thu thập dữ liệu -> liệt kê y chang dòng này vào CV
-
Những kinh nghiệm ít tương thích hoặc thậm chí không có, bạn cần khéo léo đưa những trải nghiệm của mình hướng về nhiệm vụ đó.
Ví dụ: nhiệm vụ đăng tuyển là “lễ tân, nhận và giao văn thư liên lạc” , nếu bạn chưa trải nghiệm thì có thể ghi “ Hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác hành chính văn phòng”
3. Những lưu ý quan trọng
Tính cách, cá tính của ứng viên ít nhiều đều có thể nhận định qua CV, vì vậy, những lỗi sau có thể khiến bạn bị mất điểm:
a. Chuyển việc liên tục
Cho thấy sự thiếu trung thành với tổ chức, đồng nghĩa không kiên trì, chịu áp lực hay khó khăn được. Tốt nhất, kinh nghiệm làm việc chỉ nên tối đa 2 – 3 công ty.
b. Sai lỗi chính tả
Thời gian nộp CV thường kéo dài tối thiểu là 2 tuần, đủ thời gian cho bạn chuẩn bị, đọc đi đọc lại. Do vậy, sai chính tả có thể bị nhận xét là cẩu thả, thiếu nhiệt huyết với doanh nghiệp.
c. Trình bày thiếu rành mạch
Một CV thiếu rành mạch, nội dung chồng chéo, thiếu tính sắp xếp… thể hiện phần nào khả năng sắp xếp công việc của bạn. Trong khi đó, hiện nay, cùng lúc phải xử lý nhiều công việc, nhiều sự cố… luôn là điều bắt buộc.
Bên cạnh bài viết này, TalentBold còn chia sẻ kỹ năng làm đẹp CV của ứng viên bằng những mẫu CV thực tế theo từng ngành nghề. Các bạn có thể tham khảo mục “Tư vấn” tại trang web talentbold.com để có thông tin sát nhu cầu hơn. Chúc bạn thành công !
-----------------------------------------------
Nguồn ảnh: internet
Hình ảnh: mang tính chất minh họa