GenZ bàn về văn hóa "thích thì nghỉ": Đi làm với người lớn, nghỉ việc kiểu trẻ con
Giới trẻ ngày nay nghỉ việc nhanh và cũng rất tùy hứng, đặc biệt trong những năm đầu đi làm ở lứa tuổi 20 - 25. Ghét sếp - nghỉ việc. Chán đồng nghiệp - nghỉ việc. Tốc độ tăng lương chậm - nghỉ việc. Tự chán - nghỉ việc. Không vui - Nghỉ việc. Chia tay người yêu - Nghỉ việc... Dù với lý do nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên hiểu rằng việc mất đi một nhân sự sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mắt xích công việc, bất kể bạn làm ở vị trí cao hay thấp.
Vậy nên hãy trở thành người tử tế khi nghỉ việc. Nhất là trong những năm đầu đi làm, khi chúng ta xây dựng hình ảnh cá nhân trong lĩnh vực mà chúng ta theo đuổi, việc chia tay thế nào với công ty cũng sẽ quyết định đến thương hiệu cá nhân.
Chúng tôi đã có cuộc hội ý với những bạn trẻ GenZ về "văn hóa nghỉ việc" của giới trẻ hiện nay, và đây là những lời khuyên hữu ích dành cho những ai đang quyết định chia tay công việc hiện tại.
Vân Trang (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Có nhiều bạn trẻ muốn nghỉ việc nhưng lại không thẳng thắn nói ra, xong làm việc trong tâm trạng nửa vời, nghĩ rằng bao giờ nghỉ cũng được. Điều này làm ảnh hưởng đến công việc chung của công ty rất nhiều. Nếu đã nghỉ thì nghỉ hẳn, còn không thì làm việc trong nghiêm túc. Vì người ta mặc nhiên rằng bạn vẫn là một mắt xích trong team nên công việc vẫn sẽ giao cho bạn, yêu cầu bạn làm.
Cũng có những bạn trẻ tự dưng chán đời, không muốn làm việc liền nghỉ không lý do. Bạn nghỉ làm một ngày, nhưng công ty đâu được nghỉ làm theo tâm trạng nhân viên. Vậy nên dù có chán thì cũng nên rạch ròi công việc với tình cảm, nếu không thể giải quyết được thì báo với sếp và đồng nghiệp một câu để biết tình hình. Mình nghĩ cũng không sếp nào lại muốn giữ một nhân viên luôn có tư tưởng nghỉ việc hay không muốn làm đâu.
Nghỉ việc cũng nên xem xét cả thời điểm. Đừng lúc "cả team đang vắt chân lên cổ mà làm" thì bạn lại xin nghỉ, sếp sẽ không có thời gian để tìm người thay thế. Đó là thời điểm nhạy cảm nhất và rất dễ mang tiếng khi nghỉ việc.
Và cuối cùng là làm việc tử tế đến phút cuối. Nếu không bạn dễ bị đánh giá là không tận tâm, tạo tin đồn không hay ho đến công ty khác và tự thu hẹp lại những cơ hội mới. Cố gắng đừng để mất cả chì lẫn chài nhé!
Châu Phong (21 tuổi, Đại học Kinh tế - Luật)
Đối với mình, ngày đầu đi làm cũng như ngày cuối. Có thể lúc làm việc xảy ra xung đột từ 2 bên hoặc mình bỏ đi làm cái khác, nhưng lúc nghỉ việc tuyệt đối không nên để lại ấn tượng xấu. Cái này nằm ở nhiều mặt lắm. Ví dụ: Mình không chuyên nghiệp trong hình thức xin nghỉ/cảm ơn khi thông báo nghỉ, hoặc nghỉ vì muốn nhảy việc nhưng lại nói dối do gia đình.
Tựu chung mình thấy nghỉ việc thì nên cân nhắc kỹ. Vì khi đã thông báo rồi gần như không thể thay đổi được. Đừng vì những ngày cuối chán nản công việc mà làm ảnh hưởng xấu đến cả quá trình mình gắn bó với công ty. Cũng không nên vì lý do đã nghỉ việc mà được quyền nói xấu người ở lại, làm việc tắc trách cho có.
Băng Tâm (21 tuổi, Đại học Hà Nội)
Theo quan sát của mình, có một bộ phận sinh viên khi đi làm thêm chỉ nghĩ đến lợi cho mình, thì khi nghỉ việc cũng dễ có những hành động thiếu hiểu biết và nông nổi. Mỗi công ty sẽ có một chế độ thưởng riêng cho nhân viên cùng những điều kiện đi kèm. Những bạn sinh viên chỉ nghĩ đến bản thân thì sẽ chỉ làm đúng giờ tối thiểu, xong đòi tiền lương ngay hoặc sau 1 thời gian sẽ gây khó chịu cho sếp và các đồng nghiệp cũ. Bên cạnh đó, việc nhận lương theo đúng năng lực và offer cũng là cái khó khi các bạn làm việc với thái độ như trên, chưa kể còn gây ấn tượng xấu với đồng nghiệp.
Mình đã đi làm part time ở nhiều vị trí, nên mình thấy những công việc thiên về lao động chân tay sẽ giúp nhân viên giữ mối quan hệ tốt hơn. Sau khi nghỉ việc vẫn thường xuyên liên lạc, gặp mặt. Còn công việc văn phòng thường không tốt bằng, vì phải đấu đá nhau nhiều. Nhưng dù làm công việc nào bạn cũng nên cố gắng, khi nghỉ việc nên xét khía cạnh: Chất lượng công việc những ngày cuối, mình đóng góp cho công ty những gì… để mà không làm mất lòng đôi bên.
Cao Hương (21 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Mình đã đi làm thêm và nghỉ việc một số chỗ nhưng vẫn giữ liên lạc với mọi người ở chỗ cũ. Hầu hết mình đều dự định sẽ nghỉ việc trước một tháng và xin phép trước để cấp trên có thời gian tìm người thay thế vị trí sao cho phù hợp.
Dù có sắp nghỉ việc đi chăng nữa mà vẫn nhận được đủ lương số ngày làm thì chẳng có lý do gì phải bày tỏ thái độ. Những ngày cuối vẫn cần hoàn thành tốt mọi công việc được giao, đến khi nghỉ cả hai bên sẽ đều vui vẻ và hài lòng.
Đức Mạnh (22 tuổi, Học viện Tài chính)
Thông thường thì khi đã quyết tâm từ bỏ công việc hiện tại và xin nghỉ thì đại đa số mọi người sẽ có tư tưởng là sao cũng được, miễn mình được hưởng đầy đủ lợi ích một cách tối đa như là: nhận lương cho những ngày công, nhận đủ trợ cấp bảo hiểm,...
Tuy nhiên thì trong một tập thể, không ít thì nhiều, chúng ta đã từng cộng tác, làm việc, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Thế nên bên cạnh những tư lợi cá nhân, ít nhất chúng ta khi nghỉ việc thì hãy giữ lại cho nhau những tình cảm chân thành đối với những người bạn, người đồng nghiệp, người sếp đó. Biết đâu đó, sau này khi gặp nhau ngoài đời sống, nhận ra nhau thì câu chào, lời hỏi thăm vì những sự quen biết ngày xưa lại làm ta ấm lòng. Không chỉ vậy, nhiều khi chính những người đồng nghiệp này lại giúp đỡ chúng ta trong tìm kiếm công việc mới, cơ hội mới....
Vì vậy, khi xin nghỉ việc, hãy để lại cho mọi người những ấn tượng tốt đẹp, những cử chỉ, hành động đầy tình con người chứ đừng để lại những sự khó chịu, bực bội, sự bất lịch sự hay thậm chí là những kỷ niệm buồn cho bất cứ ai tại chính nơi mà bản thân mình đã từng là một phần trong đó.
Nguồn: Đọc chậm - Kênh 14