Hiểu hơn về kênh tuyển dụng và các loại hình kênh tuyển dụng
Trải qua thời gian dài phát triển của ngành tuyển dụng nhân sự, rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra, đặc biệt là sự đa dạng hóa các kênh tuyển dụng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Hiện nay có những kênh tuyển dụng nào? Vẫn luôn là câu hỏi mà nhiều nhân viên ngành nhân sự cũng chưa trả lời hoàn chỉnh được.
I. Kênh tuyển dụng là gì ?
Để tuyển dụng thành công một vị trí như mong muốn, ứng viên và nhà tuyển dụng cần một nơi để tiếp cận nhau. Và nơi đầu tiên phục vụ nhu cầu này chính là kênh tuyển dụng.
Kênh tuyển dụng chính là nơi nhà tuyển dụng thu hút hồ sơ ứng viên thông qua các bản tin đăng tuyển việc làm. Nơi đây được xem là bước đầu tiên cho một quy trình tuyển dụng, thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ bước này.
Do vậy, việc lựa chọn kênh tuyển dụng hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thu hút lực lượng ứng viên giỏi chính là yếu tố quan trọng mà mọi nhà tuyển dụng luôn hướng đến.
II. Các loại hình kênh tuyển dụng hiện nay
Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 8 kênh tuyển dụng hiệu quả giúp nhà tuyển dụng thuận lợi tìm thấy nguồn ứng viên ưng ý nhất
1. Tuyển dụng trên các website tuyển dụng
Ngày nay, các các website tuyển dụng đang là một trong những kênh tuyển dụng được sử dụng phổ biến hơn cả, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.
Với khả năng thu hút lượng lớn ứng viên từ khắp mọi miền đất nước, nhà tuyển dụng đăng tin trên website tuyển dung trực tuyến sẽ rất thuận lợi tìm được lượng ứng viên tiềm năng như mong muốn.
Những kênh tuyển dụng trực tuyến nổi tiếng tại Việt Nam có thể kể đến là Vietnamworks, Careerbuilder, TopCV, Timviecnhanh, TalentBold…
2. Tuyển dụng qua các đơn vị headhunter
Đây là kênh tuyển dụng dành cho mọi loại hình doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa dạng vị trí, đặc biệt rất hiệu quả cho những doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tuyển dụng những vị trí quản lý cấp cao hoặc vị trí khó tuyển.
Tại Việt Nam, headhunter đang là một kênh khá mới mẻ, đang trên đà tăng trưởng những năm gần đây. Các đơn vị headhunter nổi tiếng như: HRchannels, Navigos Search, HR2B, HeadhuntVietnam,...đang được biết đến như những đơn vị chuyên gia trong lĩnh vực săn đầu người tại thị trường lao động Việt Nam.
Để có được lượng ứng viên chất lượng, phù hợp nhất với tiêu chí tuyển dụng, nhà tuyển dụng cần thiết kế nội dung tin đăng tuyển rõ ràng, đầy đủ nhiệm vụ công việc, yêu cầu tuyển dụng, mức lương đề xuất … cùng một tiêu đề tuyển dụng thật ấn tượng.
3. Kênh tuyển dụng riêng thông qua website công ty
Kênh tuyển dụng riêng chỉ hiệu quả khi công ty của bạn là doanh nghiệp, tập đoàn lớn, nổi tiếng. Bởi lẽ, kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng chính là nền tảng thu hút ứng viên tìm đến với doanh nghiệp.
Khi đó, chuyên mục “Tuyển dụng” trên trang web chính thức của doanh nghiệp mới có được lượng truy cập lớn. Và từ đó, bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp không còn lệ thuộc nhiều vào các kênh tuyển dụng trực tuyến nữa.
Chủ động việc đăng tuyển, chủ động ngân sách tuyển dụng, chủ động xây dựng hệ thống phần mềm quy trình tuyển dụng chỉ có được khi bạn có một kênh tuyển dụng riêng hiệu quả.
4. Hệ thống mạng xã hội
Những phương tiện truyền thông xã hội cũng chính là một kênh tuyển dụng thời đại đang rất “hot” hiện nay. Các nên tảng mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất chính là Facebook, Zalo, Linkedin …
Phương thức sử dụng kênh tuyển dụng mạng xã hội còn giúp ứng viên có thể tìm hiểu thêm về năng lực kinh doanh, thành tựu và những sản phẩm mà doanh nghiệp đã và đang hướng tới thông qua việc truy cập lịch sử trạng thái của doanh nghiệp trên các nền tảng xã hội.
So với việc tìm hiểu thông qua website doanh nghiệp thì việc cập nhật thông tin qua mạng xã hội mang tính thực tế và có tính đánh giá cao hơn vì kèm theo đó là những bình luận, phản hồi từ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
5. Sự kiện tuyển dụng, ví dụ “ngày hội việc làm cho ngành IT”
Kênh tuyển dụng thông qua sự kiện mang lại hiệu quả cao cho những nhu cầu tuyển dụng theo nhóm đối tượng ứng viên. Thông thường kênh tuyển dụng này sẽ đăng tải thông tin trên các diễn đàn (forum) thuộc cộng đồng ứng viên (điển hình là các trường đại học) mà nhà tuyển dụng đang hướng tới với các sự kiện như :
- Ngày hội việc làm cho sinh viên năm cuối
- Cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ
- Ngày hội việc làm cho ngành may mặc, giày da….
6. Danh sách ứng viên đã từng nộp đơn tại công ty nhưng chưa trúng tuyển
Ứng viên từng phỏng vấn nhưng chưa thành công chính là một kênh tuyển dụng mà doanh nghiệp không nên bỏ qua. Bởi lẽ, đây là những ứng viên đã quan tâm và tìm hiểu về doanh nghiệp, có mong muốn trở thành một thành viên của doanh nghiệp bạn.
Hơn hết, hồ sơ của họ đã trải qua nhiều bước trong quy trình tuyển dụng, đặc biệt là khâu sàng lọc ứng viên phù hợp. Liên lạc lạc danh sách những ứng viên này có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu rất nhiều chi phí và thời gian tuyển dụng.
7. Tuyển dụng nội bộ (đề bạt, thuyên chuyển nhân viên giữa các phòng ban)
Một số ngành kinh doanh đặc thù rất khó tìm kiếm ứng viên mới, do vậy, nhà tuyển dụng sẽ chú trọng kênh tuyển dụng nội bộ từ những nhân viên đã gắn bó với doanh nghiệp, nhất là khi cần lấp đầy vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao.
Để tuyển dụng nội bộ công bằng và hiệu quả, bộ phận tuyển dụng phải thường xuyên ghi nhận năng lực, thành tích, thưởng phạt… của tất cả các nhân sự trong doanh nghiệp. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc cân nhắc thuyên chuyển hay đề bạt hợp lý, hợp tình sau này.
8. Phát tờ rơi, đăng tin tuyển dụng trên báo
Đây là 2 kênh tuyển dụng truyền thống nhưng vẫn mang lại hiệu quả tốt trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm ứng viên hiện nay.
- Hình thức phát tờ rơi chủ yếu dành cho những công việc bán thời gian, không yêu cầu nhiều về kiến thức,kỹ năng, do vậy, việc tìm kiếm ứng viên không quá khó nên doanh nghiệp sử dụng cách này để tiết kiệm chi phí tuyển dụng.
- Đối với đăng tin tuyển dụng trên báo,tạp chí, vị trí tuyển dụng cũng khá đa dạng, cả cấp quản lý lẫn nhân viên, chuyên viên. Thông thường doanh nghiệp sẽ kết hợp cách đăng báo, tạp chí cùng vài kênh tuyển dụng miễn phí khác để nâng cao hiệu quả tuyển dụng.
Với các kênh tuyển dụng truyền thống và hiện đại này, công việc tìm kiếm ứng viên của nhà tuyển dụng đã và đang được tối ưu hơn rất nhiều. Việc đảm bảo tìm đủ lượng hồ sơ ứng viên phù hợp đã không còn là nỗi lo lắng của bộ phận tuyển dụng như trước đây nữa. Vấn đề còn lại là cân nhắc giữa chất lượng nguồn ứng viên và chi phí trả cho kênh tuyển dụng mà doanh nghiệp của bạn lựa chọn. Chúc doanh nghiệp bạn luôn tìm thấy kênh tuyển dụng ứng viên tài năng phù hợp nhất !
Nguồn ảnh: internet