Nhân viên ngôi sao sắp nghỉ, làm sao để người khác không bám gót?
Thắc mắc lý do, sau đó hãy lắng nghe, ghi nhận
Việc các nhân viên “ngôi sao” nghỉ việc là điều không tránh khỏi, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động ngăn chặn được cuộc “khủng hoảng” đó. Điều quan trọng nhất lãnh đạo, quản lý cũng như người làm truyền thông nội bộ có thể làm khi có nhân viên rời đi là chủ động lắng nghe. Bắt đầu từ việc trò chuyện với nhân viên “ngôi sao” đó để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến quyết định của họ. Ngay cả khi họ rời đi để đón nhận cơ hội phát triển hơn ở doanh nghiệp khác, thì vẫn có thể có “góc khuất” nào đó khiến bùng nổ hiệu ứng “domino”. Nếu lãnh đạo, quản lý cũng như người làm truyền thông nội bộ nhận thấy bất cứ “mối nguy” nào thì cần tìm hiểu rõ gốc rễ xem liệu vấn đề đó có phổ biến hay không.
Tiếp tục tìm hiểu các thành viên còn lại, trao đổi riêng với từng người về cuộc sống của họ mỗi ngày tại công ty. Lắng nghe cảm xúc của họ trước sự rời đi của nhân viên “ngôi sao”. Chỉ bằng hành động nhỏ như vậy cũng sẽ giúp trấn an nhân viên rằng doanh nghiệp không hề “ngó lơ” hoạt động của mọi người.
Nhiều doanh nghiệp thường thực hiện khảo sát về mức độ gắn kết và tin tưởng của nhân viên. Đây cũng là cách hữu hiệu giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn cảm nhận của nhân viên về tổ chức cũng như bộ máy lãnh đạo. Các cuộc “thăm dò” như vậy sẽ đánh giá được phản ứng, thái độ của nhân viên trước các giai đoạn, thời điểm khó khăn và thuận lợi của tổ chức hoặc các vấn đề nổi trội khác dấy lên ngoài xã hội.
Nếu những cuộc trò chuyện và khảo sát này tiết lộ bất kỳ mối quan tâm chung nào giữa các thành viên thì điều quan trọng là gắn kết họ trực tiếp. Doanh nghiệp trước tiên cần thừa nhận tầm quan trọng của các vấn đề đó để nhân viên thấy được sự cảm thông và sau đó cùng nỗ lực giải quyết vấn đề. Phương pháp này sẽ chỉ mang lại hiệu quả, xây dựng niềm tin vững chắc hơn nếu nhân viên cảm nhận được sự cố gắng từ phía doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả thông tin đó.
Tập trung nhiều hơn vào việc đem lại tương lai mà nhân viên mong muốn
Nhân viên thường có động lực hơn để hoàn thành mục tiêu khi cảm thấy nỗ lực của mình được ghi nhận và sẽ giúp họ tiến bộ hơn. Khi một thành viên “ngôi sao” rời đi, các thành viên khác sẽ cảm thấy việc khả năng đạt được mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp lúc đó cần trấn an kịp thời và thậm chí đưa ra đề xuất lấp vị trí trống đó nếu cần thiết.
Ngoài ra, sự rời đi của nhân viên “ngôi sao” có thể làm đảo lộn suy nghĩ của các thành viên khác. Dù mỗi nhân viên đều giữ những quan điểm, niềm tin khác nhau nhưng quyết định xin nghỉ bất ngờ của người cốt cán sẽ khiến họ hoài nghi về giá trị, sứ mệnh của doanh nghiệp, sự tin tưởng của họ sẽ giảm dần và dần tìm đến các cơ hội mới.
Trong các buổi họp hay trao đổi nhóm thường ngày, doanh nghiệp cần tập trung nhấn mạnh vào các cơ hội sắp tới trong tương lai và tầm quan trọng của các công việc mà nhóm đang thực hiện. Điều này củng cố thêm niềm tin về mức ảnh hưởng và vai trò của họ đối với tổ chức, thay vì quá chú tâm vào vị trí đang thiếu.
Đem đến nhiều hơn cơ hội phát triển
Một động lực khác thúc đẩy mức độ hài lòng của nhân viên trong công ty là niềm tin về cơ hội phát triển của công việc hiện tại. Tinh thần làm việc được nâng cao hơn khi nhân viên cảm nhận bản thân đang được đào tạo, rèn luyện để hoàn thiện hơn, cải thiện hiệu suất. Vì vậy, nếu tổ chức không mang lại lợi ích lâu dài cho họ, nhân viên sẽ cảm thấy chán nản, mất động lực làm việc. Mở ra các khóa đào tạo là một phương pháp hiệu quả giúp tăng mức gắn kết, sự trung thành của nhân viên bởi vì các buổi học như vậy không chỉ củng cố kiến thức, kỹ năng cho họ mà còn đẩy mạnh lòng tin về giá trị mà doanh nghiệp mang lại
Sự rời đi của một nhân viên “ngôi sao” có thể khiến các thành viên trong nhóm ngẫm lại về mức độ hài lòng hiện tại và tương lai của họ khi tiếp tục đồng hành cùng công ty. Khi đó những nhà lãnh đạo cần thể hiện sự mong muốn và quan tâm kịp thời để có thể giúp “giữ chân” thành viên còn lại.
Nguồn: BlueC