Dành cho nhà quản lý: Hiểu để làm việc hiệu quả với nhân viên gen Z
Gen Z (những bạn trẻ sinh từ năm 1997 -2012), thế hệ trẻ có nhiều khác biệt trong tư duy lẫn hành động đang tạo nên sự đa dạng trong nguồn nhân lực nhưng cũng dẫn đến nhiều xáo trộn cho doanh nghiệp và cả bản thân họ.
Báo cáo xu hướng “TrendZetter - Bắt bài để bất bại” do Công ty Anphabe thực hiện khảo sát với 13.667 sinh viên của 120 trường đại học trên toàn quốc vừa công bố cho thấy gen Z là thế hệ hứa hẹn tạo nên nhiều đột phá và trở thành nhân tố quan trọng của nguồn nhân lực Việt trong tương lai.
1. Gen Z: Tự tin và sớm có tư duy độc lập
Dự báo đến năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có một người gen Z. So với các thế trước, đây là thế hệ tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm.
Theo khảo sát của Anphabe, 52% gen Z đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu công việc trong hai năm đầu đại học. Đáng chú ý, dù còn đi học, có tới 91% gen Z tự tin là họ biết rõ mình thích hoặc không thích làm việc trong lĩnh vực nào. Trong đó, top 5 ngành nghề được gen Z yêu thích nhất đều là những ngành đang có nhiều chuyển đổi và nhu cầu nhân lực cao như: ẩm thực - nghỉ dưỡng, quảng cáo - truyền thông, internet - thương mại điện tử, đầu tư tài chính và bất động sản.
Khi đi tìm định hướng nghề nghiệp, thế hệ trẻ gen Z coi “Internet là chân ái” và ưu tiên các yếu tố cá nhân như năng lực bản thân hay sở thích cá nhân nhiều hơn 3-4 lần so với việc tham khảo ý kiến từ cha mẹ, người thân, rất khác với các thế hệ trước.
Tư duy độc lập này càng được củng cố hơn khi trong hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nếu như hầu hết người đi làm giàu kinh nghiệm có những thay đổi về định hướng công việc thì 60% gen Z cho rằng Covid-19 không tác động nhiều đến định hướng của các bạn, hoặc nếu có chỉ xoay quanh việc chậm trễ thời điểm ra trường hay một số môn học.
Ngoài việc độc lập trong suy nghĩ, gen Z luôn hướng tới sự tự do trong hành động. Đây cũng là lý do khi lựa chọn nghề nghiệp, gen Z có xu hướng “mở” hơn so với các thế hệ trước. Thay vì xin việc tại các công ty đã ổn định, 32% gen Z cởi mở tham gia các công ty khởi nghiệp. Có tới 7% gen Z chọn làm việc tự do (freelancer) hoặc tự kinh doanh ngay khi ra trường chứ không chờ đi làm công sở để tích lũy tiền và kinh nghiệm như các thế hệ trước.
Với các gen Z đã đi làm công sở, trong nhóm nghỉ việc, có tới 47% gen Z chia sẻ rằng họ muốn tìm kiếm một công việc tự do hơn về giờ giấc và địa điểm làm việc.
Gen Z cũng không kén chọn loại hình công ty để bắt đầu sự nghiệp, với tỷ lệ gen Z chọn doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp Việt tương ứng là 70% và 60%, cách biệt không xa.
Điều này rất khác với thế hệ Y trước đó. Cụ thể, khảo sát của Universum năm 2015 cho thấy tỷ lệ người trẻ gen Y khi mới đi làm thích chọn doanh nghiệp đa quốc gia hơn gấp 5 lần tỷ lệ thích làm cho doanh nghiệp Việt.
Với nhiều lợi thế, kiến thức rộng và tư duy cởi mở, gen Z có nhiều kỳ vọng khi đi làm. Cụ thể, mức lương kỳ vọng trung bình mà gen Z mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau ra trường là 8,4 triệu đồng/tháng. 88% sinh viên khá giỏi chia sẻ rằng họ mong muốn trở thành quản lý trong vòng 2 năm.
Ngoài kỳ vọng về thu nhập và phát triển sự nghiệp, gen Z cũng mong muốn mở rộng các mối quan hệ, có nhiều trải nghiệm thú vị, đa dạng và cân bằng công việc - cuộc sống..
2. Hoài bão cao nhưng dễ "rơi đà"
Tuy vậy, khảo sát trên nhóm gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm qua cũng cho thấy nhiều bạn trẻ thế hệ Z cũng có dấu hiệu “rơi đà” và chông chênh khi bước chân vào chốn công sở.
Có đến 95% gen Z khi ngồi trên ghế nhà trường tin rằng nếu có công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn sẽ gắn bó ít nhất một năm, nhưng thực tế sau khi ra trường chỉ có 38% các bạn hiện thực hóa niềm tin đó. 62% các bạn nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy vài lần trong một năm.
Tuy nhiên, với mức lương thực tế không cao như kỳ vọng, 65% các bạn chia sẻ rằng mức lương đầu tiên nhận về khá khiêm tốn, dao động từ 4-8 triệu đồng/tháng, chủ yếu là mức 6-7 triệu đồng/tháng.
Giấc mơ “lên sếp” sau 2 năm cũng tan tành vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì “độ chênh” giữa cách gen Z tự đánh giá về mình và cách công ty đánh giá về những gì gen Z làm được và chịu trách nhiệm được.
Trong khi gen Z đánh giá cao việc mình bỏ công sức và có ý tưởng thì các sếp lại đánh giá nhân viên dựa vào tính khả thi của ý tưởng và kết quả cuối cùng. Với thói quen mọi thứ sẽ có “chỉ sau một chạm”, dễ hiểu rằng gen Z có nhu cầu “ngay và luôn” trong mọi thứ, bao gồm cả tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp hay quyết định chuyển việc, trong khi doanh nghiệp thì lại cần những nhân viên chuyên môn có sự tích lũy sâu và cam kết làm việc lâu dài.
Một lý do khác khiến Gen Z luôn cảm thấy chênh vênh là vì những định kiến, “nhãn mác” khác biệt từ các đồng nghiệp ở thế hệ trước. Nếu gen Z đánh giá mình tự tin, năng động, cá tính, đa nhiệm và nhiều ý tưởng thì trong mắt các thế hệ khác họ dễ bị “gán những chiếc tag” như tự cao, yếu bản lĩnh, kém sức bền, quái tính, ít tập trung và thiếu thực tế. Điều này dẫn đến những sự “đụng độ thế hệ” không cần thiết trong chốn công sở.
Những thách thức này khiến nhiều gen Z “tan tành giấc mộng lành”, “cột sống luôn ở tình trạng bất ổn”, và kết quả là gen Z cứ rơi vào vòng lẩn quẩn của chán việc - nghỉ việc - nhảy việc.
Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe cho rằng, thế hệ nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Để giảm bớt thực trạng nguồn nhân lực bất ổn do gen Z, bản thân các sếp có thể thay đổi cách làm việc và quản lý gen Z.
Chẳng hạn như các sếp nên mang lại niềm vui cho gen Z, phản hồi nhanh và thường xuyên ghi nhận, khen thưởng để kích thích tinh thần, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần gia tăng truyền thông và tương tác với các bạn trẻ.
Ngoài ra, thay vì giao một dự án dài hơi dễ khiến các bạn gen Z ngộp, doanh nghiệp hãy chia thành các phần nhỏ để có thể hỗ trợ và nhận phản hồi thường xuyên. Hãy tin rằng gen Z là những viên ngọc thô đầy tiềm năng mà công ty nào nhanh chân mài giũa và đầu tư để thích ứng thì sẽ là người thắng cuộc trong cuộc chiến nhân tài trẻ đang diễn ra vô cùng khốc liệt hiện nay.
Anphabe là công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc. Hiện tại, Anphabe hoạt động trên 03 lĩnh vực chính: Khảo sát nhân viên, ứng viên và xu hướng nhân sự; Tư vấn chiến lược Thương hiệu nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh Phúc; Thực thi các chương trình thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài. Khảo sát Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng Hấp Dẫn Với Sinh Viên Việt Nam là nguồn thông tin đáng tin cậy về xu hướng nhân sự dành cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu & thu hút nhân sự trẻ Gen Z. Khảo sát được tổ chức mỗi hai năm một lần bởi Anphabe với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Tp. Hồ Chí Minh (SAC). Danh sách Top 50 Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng Hấp Dẫn Với Sinh Viên Việt Nam 2022 dựa trên kết quả bình chọn của 13,667 sinh viên thuộc 10 khối ngành đến từ 120 trường đại học trên toàn quốc. Xem kết quả chi tiết TẠI ĐÂY!
|