Thời Đại Digital – Biến Nhân Viên Thành Đại Sứ Thương Hiệu
Ngày nay, Internet đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ. Ngay khi mở mắt, nhiều người đã có thói quen lướt facebook, check mail hoặc đọc báo, việc online kéo dài từ sáng đến tối và tiếp tục lặp lại vào hôm sau . Mỗi cá nhân đã trở thành một công dân số với thời gian online chiếm xấp xỉ 12 tiếng/1 ngày. Vậy làm cách nào để doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội trong thời đại Digital để đẩy mạnh sự nhận biết thương hiệu một cách hiệu quả?
Những công dân số hóa
Những công dân số này đều sẽ tham gia ít nhất một mạng xã hội, facebook, instagram, youtube,… và dường như thời gian chúng ta sống trong thế giới ảo ấy nhiều hơn cả thời gian thực. Chúng ta tiếp xúc với bạn bè thông qua facebook, nhắn tin qua zalo, check-in một cảnh đẹp qua instagram, thể hiển khả năng qua các video clip trên youtube,… Những công dân số họ đều tham gia một hoặc nhiều cộng đồng trên online.
Sâu trong mỗi chúng ta đều “mong muốn được thể hiện khả năng, sáng tạo, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được cộng nhận là thành đạt”. Đấy chính là tầng thứ 5 của Tháp nhu cầu Maslow. Và những công dân số họ đều muốn thể hiện những giá trị của bản thân – dù có nói ra hay không – lên trên thế giới số.
Việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp có thay đổi gì trong thời đại digital này?
Những công dân số này bao gồm khách hàng của chúng ta và cả những nhân viên trong công ty . Do đó, xây dựng thương hiệu thời đại digital phải bao hàm cả việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp – nơi tất cả nhân viên đều trở thành một đại sứ thương hiệu cho chúng ta.
Trong kỷ nguyên số này, việc xây dựng thương hiệu còn quan trọng hơn cả những chiến lược marketing của công ty. Đấy cũng là thách thức và cơ hội cho những nhà quản lý, nếu chúng ta tận dụng được đội ngũ nhân sự trong công ty trở thành những đại sứ thương hiệu cho mình thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing.
Nhân viên trong công ty thường tham gia nhiều cộng đồng, và khách hàng của công ty (hiện hữu hoặc tiềm ẩn), ít hay nhiều cũng sẽ tham gia trong các cộng đồng ấy. Nếu như một khách hàng của công ty “xuất hiện”, có nhu cầu, thì dù không phải trách nhiệm của mình, nhân viên của bạn cũng sẽ giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của công ty.
Nói gần hơn, mỗi nhân viên của chúng ta khi đi làm có thói quen check-in, hay chia sẻ về nơi làm việc của mình, những hoạt động thường nhật. Vậy bạn hãy biến nơi làm việc thành một nơi đáng để nhân viên chia sẻ, việc chia sẻ này hãy để tự nguyện, không bắt ép, hãy để lòng tự hào của họ lên tiếng. Lúc đấy, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được lan tỏa một cách tự nhiên.
Thêm vào đó, nhân viên thường là người tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất, cảm nhận được những biến động của thị trường, những nhân viên tận tâm với công ty sẽ có những góp ý cho sự phát triển của công ty.
Mặt tiêu cực khi nhân viên cảm thấy bất mãn với công ty, đấy là họ có thể lên các trang cộng đồng bêu xấu sản phẩm/dịch vụ của công ty, hay khi thấy ai đề cập đến việc sẽ mua hay sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty thì sẽ có sự xuất hiện của antifan mang tên “nhân viên cũ”. Nằng nề hơn, nếu họ là một Admin hay Hot face/ Hot insta thì một lời nói của họ có thể tác động đến số đông người dùng trên online
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang ở một bước ngoặt lớn trong kỷ nguyên số này, văn hóa doanh nghiệp phải gắn với việc biến mỗi nhân viên thành đại sứ thương hiệu.
Có nhiều cách để nâng cao sự tự hào của nhân viên: Chỗ ngồi làm việc thiết kế hiện đại, đẹp mắt; công ty có những bữa ăn nhẹ; những hoạt động liên hoan, team-building; hay đơn giản là một người sếp uy tín, đáng ngưỡng mộ và học tập. Khi xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp mạnh, mạnh từ chính nội lực của Doanh nghiệp, nhân sự đồng lòng, tự nguyện trở thành một đơn vị truyền thông cho doanh nghiệp, thì lúc đấy chúng ta mới dễ dàng chinh chiến trên thương trường. Thương hiệu tự động lan tỏa.
Bài viết trên là một góc nhìn giúp doanh nghiệp định nghĩa lại cách làm thương hiệu trong thời đại digital, lấy nhân viên làm trọng tâm, xem đấy là tài sản quý chứ không phải tiêu sản, mình chưa bàn đến việc chinh phục khách hàng như thế nào. Vậy nếu bạn là một chủ doanh nghiệp hay một nhà quản trị thương hiệu thì hãy rà soát lại cảm xúc của nhân viên trong công ty, xem họ đã hài lòng với doanh nghiệp hay chưa. Thay đổi văn hóa công ty để biến mỗi nhân viên thành một đại sứ thương hiệu cho chúng ta.