Tử Huyệt Trong Giai Đoạn Đầu Khởi Nghiệp
Xin chào anh chị và các bạn, bài viết hôm nay tôi xin chia sẻ đến mọi người một vấn đề dường như nhiều anh chị gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. Vấn đề này hết sức NGHIỆM TRỌNG và là nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ thất bại của chúng ta cao.
Tại sao chúng ta chạy quảng cáo nhiều nhưng không mang lại hiệu quả?
Trong quá trình tôi tiếp xúc với các start up, thông thường thì lí do gặp nhau ban đầu là giúp “tối ưu chi phí chạy quảng cáo facebook”, “giúp bán được nhiều hàng hơn”,… Tuy nhiên khi nhận lời, tôi đều không hứa giải quyết vấn đề của họ mà chỉ đơn giản là “gặp nhau giao lưu”. Tại sao tôi không hứa là sẽ giải quyết vấn đề mà các bạn ấy đang gặp phải. Xin thưa là không thể giải quyết triệt để vấn đề giá thầu facebook cao hay hàng bán không được, tiếp cận khách hàng ít, một khi ngay từ đầu, việc kinh doanh của bạn đã đi sai hướng.
Việc giá chạy quảng cáo cao, tỷ lệ chuyển đổi thấp hay việc sản phẩm không tiếp cận được khách hàng chỉ là hệ quả của việc bạn KHÔNG HIỂU THỊ TRƯỜNG – KHÔNG HIỂU SẢN PHẨM của mình ở đâu trong cái thị trường ấy. Ngay từ đầu, nếu bạn bỏ thời gian ra tìm hiểu về THỊ TRƯỜNG, gồm thị trường ĐỐI THỦ CẠNH TRANH và thị trường KHÁCH HÀNG thì các hoạt động Marketing của bạn mới hiệu quả. Nếu là cuộc chơi lớn thì chúng ta còn phải nghiên cứu cả thị trường vi mô và vĩ mô một cách bài bản.
Lợi ích của việc nghiên cứu thị trường trước khi khởi nghiệp?
Việc nghiên cứu thị trường giúp ta xác định được ĐIỂM MẠNH – ĐIỂM YẾU của mình trong cái thị trường ấy, điểm mạnh – điểm yếu là so sánh với ĐỐI THỦ CẠNH TRANH TRỰC TIẾP của bạn chứ không phải do bạn tự suy diễn ra. Phân tích được 3 chân kiềng ấy: ĐỐI THỦ CẠNH TRANH – KHÁCH HÀNG – SẢN PHẨM thì hãy nghĩ đến việc làm truyền thông, đến việc khởi nghiệp. Các hoạt động truyền thông như chạy quảng cáo, tạo website, SEO,… chỉ là phần ngọn của một chiến lược marketing, khi phần gốc bạn ốm yêu thì sao phần ngọn tươi tốt được. Lúc này bạn cứ đốt tiền (chạy quảng cáo) vào việc mua phân bón cho cái cây ấy để giữ phần ngọn, nhưng hết tiền, hết phân bón thì cái cây cũng chết. Còn gốc đã tốt rồi thì không cần nhiều phân bón, tự khắc các nhánh cây phát triển tươi tốt.
Ví dụ thực tiễn về việc cần phải nghiên cứu thị trường trước khi khởi nghiệp
Thực tế, trước đây tôi có tư vấn truyền thông cho một chị tác giả viết truyện – tương tự như truyện của Gào hay Nguyễn Ngọc Thạch, nhằm giúp chị ấy bạn được nhiều truyện hơn. Việc của tôi khá đơn giản, và lời khuyên của tôi đưa ra cũng rất đơn giản, nhưng hiệu quả thì chắc chắn cao hơn nhiều lần việc chị ấy bỏ tiền ra cho anh Mark.
Bật mí luôn là khi tôi gặp chị tác giả này, chúng tôi nói về truyện của chị ấy ra sao, thị trường hiện nay có những tác giả nào, xu hướng của các bạn trẻ là gì, feedback của đọc giả ra sao sau khi đọc những truyện của chị ấy. Và sau khi nghe như thế thì rõ ràng việc truyền thông nên dùng kênh nào, định hướng ra sao đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thậm chí không cần quảng cáo trên fanpage, chị ấy vẫn có thể bán được sách ầm ầm.
Trường hợp thứ hai, ngược với trường hợp trên: Một bạn đang có trung tâm anh ngữ nhỏ ngoài Thủ Đức nhờ mình giúp “giảm giá thầu Facebook”, nhưng khi mình bảo bạn ấy trình bày 3 gọng kiềng trên thì như thế này:
- Đối thủ cạnh tranh bạn ấy chưa xác định được rõ ràng, thậm chí còn đưa cả ILA vào, trong khi nó khác phân khúc khách hàng với trung tâm bạn ấy.
- Từ đó, điểm mạnh – điểm yếu cũng không rõ là ra là những gì, mà chỉ là những thứ bạn ấy “nghĩ là mạnh”
- Sản phẩm, tức nội dung khóa học cũng không “gói” lại được cho rõ ràng, trực quan.
Ba thứ này bạn ấy chưa xác định rõ ràng, thành ra Định vị của bạn ấy cũng thật mông lung. Định vị mông lung thì sao bán được sản phẩm đặc thù như Giáo dục. Không có Định vị thì content hay target cũng không hiệu quả được. CPC hay CPL cũng sẽ cao mà không có cách nào tối ưu được. Lúc gặp tôi thì đã đi toi hết vốn liếng gần cả trăm triệu và bạn ấy nói: Hồi đó em dở quá, cứ tưởng mở trung tâm ra, rồi bỏ ra 5, 7 triệu chạy quảng cáo facebook là có học viên. Cái dở lớn nhất của em là không biết làm marketing… Khi đã cạn vốn thì người ta mới nhận ra cái thiếu sót của mình. Có những bài học bạn chỉ cần bỏ ra nửa tháng để nghiên cứu, chứ không phải mất 5, 7 chục triệu rồi mới nhận ra.
Kết luận
Đừng vội kinh doanh khi chưa bắt tay vào NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG và SẢN PHẨM của bạn. Khi mọi thứ đã rõ ràng rồi thì chúng ta sẽ có hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Nghiên cứu thị trường có nhiều cách, tôi sẽ chia sẻ trong các bài viết sắp tới.