Văn hóa làm việc của các công ty trên thế giới khác nhau như thế nào?
Nhận được thông báo trúng tuyển từ nhà tuyển dụng chưa hẳn đã chắc chắn cho vị trí công việc như mong muốn. Để được ký hợp đồng chính thức, ứng viên phải hoàn thành kỳ thử việc. Một trong những yếu tố đảm bảo thành công trong giai đoạn này chính là phải hiểu rõ văn hóa làm việc của các công ty Nhật/Hàn/Anh/Mỹ/Châu Âu… như thế nào . Và TalentBold sẽ tổng hợp thông tin giúp bạn qua bài viết này.
I. Tầm ảnh hưởng của văn hóa làm việc đối với thành công của ứng viên
Mỗi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam, họ không chỉ mang đến cơ hội việc làm mà còn xây dựng cả văn hóa làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện mà mình thành lập.
Đối với các công ty Nhật/Hàn/Anh/Mỹ/Châu Âu…, sự đồng bộ trong văn hóa làm việc có vai trò rất lớn đến thành bại của các chiến lược phát triển, cụ thể như :
-
Phối hợp làm việc nhóm ăn ý
-
Sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc
-
Chấp nhận bị phê bình, chấp nhận tranh luận khi cần thiết
-
Nỗ lực hoàn thành theo đúng tiến độ…
Việc áp dụng văn hóa làm việc hiệu quả đã được chứng minh bằng thành công của công ty tại nước bản địa, do vậy, họ luôn nghiêm khắc tuân thủ dù hoạt động đa quốc gia. Những ứng viên không đáp ứng điều này sẽ không thể gắn bó lâu dài cùng công ty.
II. Văn hóa làm việc đặc trưng của mỗi quốc gia
Bên cạnh kinh nghiệm làm việc sẵn có, ứng viên cần nắm rõ văn hóa làm việc theo đặc trưng quốc gia mà công ty đặt trụ sở chính, “nhập gia tùy tục” luôn tạo thuận lợi cho mọi thành công
1. Văn hóa làm việc của các công ty Nhật
Tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt và sự trung thành chính là đặc trưng trong văn hóa làm việc tại các công ty Nhật. Bên cạnh đó là một số văn hóa cần ghi nhớ khác :
-
Văn hóa quản lý của người Nhật yêu cầu mọi quyết định đều phải thông qua người quản lý trực tiếp và được phê duyệt trước khi thực hiện. Điều này áp dụng cho cả những việc nhỏ, được phê duyệt bằng miệng.
-
Coi trọng khả năng làm việc nhóm là phong cách làm việc của người Nhật, họ nhận thấy hiệu quả cao và áp dụng ở tất cả các quốc gia hoạt động kinh doanh.
-
Thời gian làm việc tại Nhật luôn kéo dài, họ rất ít nghỉ phép, thậm chí thấy có lỗi với công ty và bản thân khi nghỉ phép. Do vậy, khi làm việc cho công ty Nhật tại Việt Nam, ứng viên hãy nhớ rằng ngày làm việc kết thúc chỉ khi “hết việc chứ không phải hết giờ làm việc”.
-
Không gọi nhau bằng tên tại nơi công sở, đặc biệt là với những nhân viên hay sếp người Nhật vì ở xứ sở mặt trời mọc, việc này bị coi là thô lỗ.
-
Trang phục công sở của người đi làm tại Nhật đều là những gam màu trầm hoặc tối, dù ở Việt Nam điều này không bị bó hẹp nhưng việc lựa chọn những trang phục màu trắng, xanh đậm hoặc đen vẫn sẽ giúp bạn dễ hòa hợp tại nơi làm việc hơn.
2. Văn hóa làm việc của các công ty Hàn
Nếu bạn là tín đồ của phim Hàn, không ít lần bạn sẽ thấy giật mình vì sự giận dữ của các sếp hay quản lý trong phim. Đó không chỉ là phim đâu, thực tế, người Hàn Quốc, đặc biệt là phái nam khá nóng tính, do vậy, trong công việc, ứng viên cần lưu ý :
-
Hàn Quốc phát triển từ đạo Nho giáo nên việc tôn trọng thứ bậc, phục tùng cấp trên vẫn duy trì đến hôm nay. Vì vậy, những quyết định được sếp đưa ra phải được tuân thủ, bạn có thể không đồng tình nhưng sự phản bác sẽ gây bất lợi cho sự hòa nhập của bạn tại nơi làm việc.
-
Chào hỏi từng người thay vì chào cả nhóm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất đến những người nhỏ tuổi hơn. Ở Việt Nam có thể giản tiện một chút, chủ yếu chào những người quản lý cấp cao trong phòng ban.
-
Không bao giờ bàn tán về sếp ở nơi đông người, đó là quy tắc giao tiếp của người Hàn thể hiện sự tôn trọng với người quản lý. Nếu bạn vi phạm, bạn sẽ không được lòng sếp và đồng nghiệp người Hàn đâu.
-
Đi sớm về trễ sẽ tạo được ấn tượng tốt tại các công ty Hàn. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải về sau cùng, chỉ cần đừng là người ra khỏi văn phòng đầu tiên là được.
-
Phát âm tiếng Anh theo giọng Hàn thường khó nghe rõ, do vậy, nếu bạn biết tiếng Hàn Quốc và giao tiếp ở nơi làm việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
-
Người Hàn thích sự quan tâm, chia sẻ, nên việc ăn trưa cùng đồng nghiệp, chia sẻ hỗ trợ nhau trong công việc sẽ được đánh giá cao.
3. Văn hóa làm việc của các công ty Anh / Mỹ
Dù là hai quốc gia khác nhau nhưng với cùng phong cách phương Tây, văn hóa làm việc của các công ty Anh và Mỹ có những nét tương đồng lớn :
-
Chú trọng đến sự thể hiện của cá nhân, dù rằng công ty luôn đưa ra chiến lược phát triển dựa trên phân bổ công việc theo đội nhóm nhưng họ không gò bó sự thể hiện của mỗi người. Trái lại, họ khuyến khích mỗi nhân viên sáng tạo, thể hiện năng lực cá nhân để hoàn thành xuất sắc nhất nhiệm vụ được giao.
-
Các công ty Anh hoặc Mỹ hiểu rằng, thành công của công ty là thành công của tập thể, và thành công của cá nhân cũng liên quan mật thiết đến sự đóng góp của cả đội nhóm nên dù đóng góp của bạn lớn hơn người khác thì cũng đừng tự cao, khoe khoang để lọt đến tai sếp.
-
Văn hóa tiệc tùng rất phổ biến tại nước bản địa, do vậy, dù hoạt động tại Việt Nam,những buổi tiệc, liên hoan đều sẽ được tổ chức vào những dịp đặc biệt, bạn nên sắp xếp tham gia, vừa thư giãn, vừa tăng cường mối quan hệ đồng nghiệp.
4. Văn hóa làm việc của các công ty Châu Âu
Sự cẩn trọng, đề cao chất lượng thực tế chính nền tảng cho mọi yếu tố văn hóa làm việc tại Châu Âu
-
Người Châu Âu luôn đề cao chất lượng thực tế, do vậy, thực lực của ứng viên được coi trọng hơn ngoại hình hay bằng cấp.
-
Họ luôn tìm kiếm những điều mới mẻ thông qua đóng góp của từng cá nhân. Đó cũng là lý do mà mỗi cuộc họp tại các công ty Châu Âu thường xuyên xuất hiện những tranh cãi nổ lửa. Nhưng hãy nhớ rằng, đó đều là những tranh cãi vì lợi ích của công ty, chứ không phải vì cái tôi không muốn bị “dưới cơ” của mỗi người.
-
Kết giao trong công việc không khó, nhưng để thân thiết với một đồng nghiệp Châu Âu luôn cần nhiều thời gian. Điều này cũng có nghĩa, năng lực của bạn trong 01 hoặc 02 dự án thành công chưa đủ thuyết phục sếp công ty Châu Âu tin tưởng hoàn toàn.
Đây là những văn hóa làm việc của các công ty Nhật/Hàn/Anh/Mỹ/Châu Âu… hiện đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Với những chia sẻ từ TalentBold, hy vọng mỗi ứng viên sẽ có thêm sự chuẩn bị hoàn hảo cho hành trang của mình.
Nguồn ảnh: internet
Hình ảnh: mang tính chất minh họa